Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với khoảng 2 triệu ca mắc mới mỗi năm. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở nam sau ung thư gan, phổi và dạ dày; phổ biến thứ 3 ở nữ sau ung thư vú và phổi. Globocan 2020 ghi nhận hơn 16.000 ca mới và 8.203 trường hợp tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thành Khiêm, khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đại tràng và trực tràng còn gọi là ruột già, ruột kết là đoạn cuối của ống tiêu hóa, tận cùng bởi hậu môn. Cũng như các vị trí khác, ung thư đại trực tràng thường tiến triển dần theo giai đoạn từ sớm đến muộn.
Ở giai đoạn 0, khối u được tìm thấy trong niêm mạc đại trực tràng, chưa di căn hạch xung quanh. Giai đoạn I, khối u xâm lấn lớp dưới niêm mạc hoặc lớp cơ của thành đại trực tràng, chưa di căn hạch xung quanh.
Giai đoạn II, khối u xâm lấn lớp dưới thanh mạc, vùng mô quanh đại tràng, thủng vào phúc mạc tạng hoặc xâm lấn cơ quan kế cận, chưa di căn hạch xung quanh. Giai đoạn III, khối u đã di căn hạch xung quanh, chưa di căn xa. Giai đoạn IV, khối u di căn xa đến một nơi như phổi, gan, hoặc buồng trứng ở nữ.
Ung thư đại trực tràng có thể xâm lấn các mô lân cận hoặc các mô ở xa qua hệ thống bạch huyết và máu. Khi ung thư tách khỏi vị trí ban đầu xâm lấn các bộ phận khác của cơ thể được gọi là di căn. Ung thư di căn làm giảm khả năng điều trị và tăng nguy cơ tử vong.
Gan là vị trí di căn phổ biến nhất ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng (25-30%). Lý do là đại tràng có nhiệm vụ hấp thu các chất dinh dưỡng, nước, vitamin từ thức ăn, qua lòng ruột vào các tế bào ruột rồi vào máu. Tất cả lượng máu này trước khi vào vòng tuần hoàn chính của cơ thể phải trải qua một hàng rào sàng lọc loại bỏ vi khuẩn, chất độc tại gan. Trong trường hợp ung thư đại tràng, các tế bào ung thư có thể rời khỏi khối u, di chuyển tự do trong máu từ ruột tới gan và phần lớn được gan sàng lọc giữ lại.
Tại gan, các tế bào u vẫn phát triển và dần tạo thành khối u thứ phát. Sự xuất hiện di căn gan trong quá trình tiến triển của ung thư đại trực tràng là một yếu tố tiên lượng xấu và là nguyên nhân chính gây tử vong. Nếu không điều trị, thời gian sống trung bình của bệnh nhân kể từ khi phát hiện di căn gan chỉ 9 tháng.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, cho biết khi u đại trực tràng đã di căn gan, việc xử trí trở nên phức tạp hơn nhiều. Cách điều trị dựa trên nguyên tắc tối đa hóa loại bỏ cả khối u nguyên phát ở đại trực tràng và khối u di căn gan, sử dụng tất cả kỹ thuật với mục tiêu chính là mang lại cơ hội sống sót và chữa bệnh lâu dài nhất.
Bác sĩ phẫu thuật nội soi hoặc mở để cắt gan, cắt đại trực tràng nếu cần thiết. Trường hợp không thể phẫu thuật, các lựa chọn điều trị bao gồm hóa trị toàn thân, điều trị đích, truyền hóa chất động mạch gan, nút mạch hóa chất, đốt sóng cao tần hoặc xạ trị... góp phần cải thiện khả năng sống sót và có thể chuyển giai đoạn từ không thể cắt bỏ thành có thể phẫu thuật.
Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị thành công một số trường hợp ung thư đại trực tràng di căn gan, bằng cách cắt cả đoạn đại trực tràng và phần gan bị di căn trong một lần phẫu thuật nội soi hoàn toàn, sau khi đã được điều trị hóa chất trước mổ để giảm giai đoạn. Mới đây, một bệnh nhân nam, 51 tuổi, ung thư trực tràng di căn gan, hóa trị tiền phẫu theo phác đồ hóa chất kết hợp điều trị đích và đánh giá lại sau 5 chu kỳ. Kết quả cho thấy bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị, khối u giảm kích thước. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi qua đường hậu môn cắt trực tràng và toàn bộ mạc treo trực tràng, u gan. Hậu phẫu bệnh nhân ổn định, phục hồi nhanh, ra viện sau mổ 7 ngày.
Theo bác sĩ Hùng, phối hợp đa chuyên khoa, áp dụng các phác đồ điều trị tiên tiến và phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn (nội soi hoàn toàn), mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn đã di căn gan.
Lê Nga