"Tỷ lệ người trẻ mắc ung thư phổi ngày càng nhiều, trải đều cả nam và nữ, không chỉ liên quan yếu tố nguy cơ thường được biết đến trước kia là hút thuốc lá", TS.BS Su Jang Wen, chuyên gia phẫu thuật lồng ngực và ung thư phổi Singapore, nói tại lễ hợp tác lập trung tâm phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện FV, ngày 15/8.
Trên toàn cầu, ung thư phổi hiện đứng đầu về số ca mắc mới lẫn tử vong ở cả hai giới, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan). Năm 2022, thế giới ghi nhận hơn 2,4 triệu trường hợp mới phát hiện bệnh và hơn 1,8 triệu ca tử vong do loại ung thư phổi.
Theo bác sĩ Su Jang Wen, các thống kê ghi nhận người châu Á mắc ung thư phổi nhiều hơn các châu lục khác. Khi được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống trong 5 năm sau phẫu thuật không cần hóa trị có thể lên tới 99% với giai đoạn 0, nghĩa là ung thư phổi chưa xâm lấn. Tỷ lệ này đạt 92% nếu phát hiện giai đoạn 1A, tức khối u giới hạn ở phổi, không di căn đến các cơ quan ở xa hoặc hạch bạch huyết. Cơ hội sống giảm đáng kể ở các giai đoạn sau. Với giai đoạn 2, tỷ lệ sống giảm xuống 40% và giai đoạn 3 là 15%, hầu hết bệnh nhân tử vong trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán.
"Vấn đề quan trọng là cần tầm soát phát hiện bệnh sớm", bác sĩ Su nói. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị tầm soát ung thư phổi hằng năm bằng cách chụp cắt lớp vi tính liều thấp cho những bệnh nhân từ 50 đến 80 tuổi có tiền sử hút thuốc lá.
Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ hai sau ung thư gan, cướp đi sinh mạng hơn 22.500 người mỗi năm. Ngoài hút thuốc, có nhiều yếu tố khác gây nguy cơ ung thư phổi như tiếp xúc khói thuốc thụ động, tuổi tác, hít không khí ô nhiễm, gia đình có người bị ung thư phổi, người có bệnh phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, lao phổi...
Những năm qua, các nhà khoa học thế giới cho ra đời hàng loạt thuốc điều trị ung thư phổi hiệu quả cao, giúp kéo dài thời gian sống của người bệnh. Với phẫu thuật, phương pháp phẫu thuật lồng ngực có video hỗ trợ (VATS) giúp xâm lấn tối thiểu với vết mổ chỉ từ 1,5-3 cm, mang lại tỷ lệ thành công cao, thời gian mổ nhanh, hồi phục nhanh.
Phòng ngừa ung thư phổi bằng cách không hút thuốc, tránh xa khói thuốc, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả, tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng. Công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư.
Mọi người cần khám sức khỏe định kỳ, tìm đến bác sĩ đúng chuyên khoa khi có dấu hiệu bất thường. Tuân thủ điều trị ung thư phổi, không nghe theo các phương pháp dân gian truyền miệng, bỏ lỡ thời gian điều trị sớm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Lê Phương