Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Trong vài thập kỷ trở lại đây, cứ 5 người chết vì ung thư thì có một người mắc ung thư phổi.
Giáo sư Rafael Molina, Chủ tịch Hội Ung thư và Dấu ấn Sinh học quốc tế cho biết, hiện có khoảng 1,8 triệu người trên thế giới mắc mới ung thư phổi mỗi năm. Trong đó 1,6 triệu người tử vong, tương đương mỗi phút trôi qua có 3 người chết vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp thứ hai trong 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới. Đây là loại ung thư ác tính nhất, dễ di căn, lan từ phổi đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Hà Nội, ung thư phổi ở giai đoạn đầu có những triệu chứng rất nghèo nàn, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý về đường hô hấp khác. Đa phần bệnh nhân được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn và hơn 90% tử vong sau một năm kể từ khi phát hiện bệnh.
Giáo sư Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi bao gồm: không khí ô nhiễm, hút thuốc lá, uống rượu bia, tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Tuy nhiên, khoảng 90% bệnh nhân mắc bệnh là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài.
"Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc. Nếu hút 20 điếu thuốc lá mỗi ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 26 lần người không hút", bác sĩ cho biết.
Theo ông Khoa, điều trị ung thư phổi ở giai đoạn sớm có thể phẫu thuật. Ở những giai đoạn bệnh muộn hơn, khi tình trạng ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở ngực, điều trị thường sẽ bao gồm hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, điểm yếu của hóa xạ trị là thời gian sống của bệnh nhân ngắn, chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề vì phải chịu nhiều tác dụng phụ, người bệnh mệt mỏi, mất niềm tin và không tích cực phối hợp điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo những người có nguy cơ bị ung thư phổi nên tầm soát sớm kể cả khi chưa có triệu chứng. Người có nguy cơ trung bình là từ 50 tuổi trở lên, không hút thuốc hoặc hút thuốc ít, từng hút thuốc nhiều nhưng đã ngưng trên 15 năm. Nguy cơ cao là người từ 50 tuổi, hút thuốc 30 gói mỗi năm, một gói mỗi ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm.
Hướng dẫn của Bộ Y tế Nhật Bản, người có nguy cơ cao nên chụp CT ngực mỗi năm. Người có nguy cơ trung bình nên chụp CT ngực hai năm liên tiếp và mỗi 3-5 năm. Hướng dẫn của Bộ Y tế Mỹ, tầm soát ở tuổi 55-74 bằng chụp CT ngực mỗi năm. Nếu có bất thường, bệnh nhân phải chụp CT ngực, soi phế quản, sinh thiết xuyên thành ngực, mổ ngực...
Để phòng ngừa ung thư phổi, các bác sĩ khuyên nên bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, tăng cường chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả. Đây là những thực phẩm không chỉ có thể phòng bệnh mà còn rất tốt cho bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch vành.
Đặc biệt, tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng. Công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả.
Thúy Quỳnh