Phát biểu tại hội thảo “Liệu pháp nhắm trúng đích - Hành trình 10 năm kéo dài sống còn cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ” diễn ra ngày 10/9, Tiến sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết uớc tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư phổi cả hai giới mỗi năm tại Việt Nam là hơn 34.000. Tình trạng bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh vì đa số bệnh nhân đều được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
Trên thế giới mỗi năm có khoảng 1,8 triệu người mắc mới và 1,6 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nam giới và là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong do ung thư ở nữ giới. Mỗi năm cả nước có khoảng 22.000 ca mắc mới và 19.500 bệnh nhân tử vong.
Tiến sĩ Vũ Văn Vũ, Trưởng Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết ung thư phổi được chia thành hai nhóm lớn là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư thường gặp, tỷ lệ tử vong cao. Phần lớn bệnh nhân đến khám ở giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn, hoặc có di căn xa ở thời điểm chẩn đoán. Tỷ lệ sống thêm 5 năm của các bệnh nhân này là rất thấp, chỉ khoảng 5%.
Theo bác sĩ Vũ, điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ đã có nhiều tiến bộ trong khoảng một thập niên qua. Bên cạnh các phương pháp kinh điển như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị gây độc tế bào, phương pháp sinh học phân tử xác định đột biến gen EGFR, dẫn đường cho chỉ định các liệu pháp nhắm trúng đích mới. Hơn một triệu bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ đã được điều trị với erlotinib tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, erlotinib được sử dụng cho bệnh nhân hơn 10 năm qua, giúp kéo dài thời gian sống gấp nhiều lần so với hóa trị thông thường.
Ung thư phổi giai đoạn sớm, ung thư mới phát thường không có bất cứ triệu chứng gì. Nhiều người nghĩ rằng khi nào ho, đau ngực, ho ra máu, nổi hạch mới khám. Ở giai đoạn bệnh đã có biểu hiện lâm sàng thì đã muộn. Hiện nay y học biết rõ khối u phát triển từ một ít tế bào, có rối loạn, đột biến gen và phát triển từ từ nên có thể phát hiện được khối u ở giai đoạn sớm, giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Ung thư phổi khi được phát hiện với những tổn thương nhỏ thì có thể mổ điều trị triệt để được.
Hiệp hội ung thư lâm sàng Mỹ khuyến cáo ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá. Người hút thuốc càng sớm, càng lâu thì càng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư. Người bỏ hút sau 15 năm thì nguy cơ gần như người bình thường. Người đã và đang hút thuốc lá cần phải tầm soát hàng năm.
Lê Phương