PGS.TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan - Mật, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thông tin trên tại hội thảo Kỹ thuật nâng cao trong nội soi cắt tách dưới niêm mạc (ESD) điều trị ung thư sớm đại trực tràng, ngày 2/3. Các chuyên gia Nhật Bản cũng chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo về cách xử trí các trường hợp phức tạp trong ESD đại trực tràng.
Ung thư trực tràng là bệnh ung thư đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc nhiều nhất. Bệnh liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt. Theo GLOBOCAN 2020, loại ung thư này đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc mới và đứng thứ 5 về tỷ lệ tử vong do ung thư. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca mới, khoảng 8.000 người tử vong.
PGS. Long cho biết khả năng phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm rất hiếm vì bệnh phát triển thầm lặng, hầu như không có triệu chứng sớm. Khi người bệnh có các dấu hiệu như đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, hoặc tiêu chảy xen táo bón, tiêu ra máu, mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu không lý do, sờ thấy u bụng, thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh rất thấp.
"Tầm soát phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa quan trọng trong điều trị", PGS. Long nói, khuyến cáo người dân cần tầm soát, tránh để bệnh ở giai đoạn muộn, gây khó cho điều trị và rút ngắn thời gian, chất lượng sống.
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân chỉ cần điều trị cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi, hiệu quả điều trị cao, hồi phục nhanh. Ngược lại, giai đoạn muộn, người bệnh thường phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn (nội soi hoặc mổ mở), điều trị phức tạp hơn. Các tổn thương tiền ung thư hay polyp đại trực tràng khi phát hiện sớm hoàn toàn có thể cắt bỏ, nhờ đó chữa khỏi bệnh.
PGS. Long cho biết thêm với hệ thống máy nội soi hiện đại, chuyên gia có thể đánh giá chính xác được các tổn thương lành tính hay ác tính, xâm lấn niêm mạc hay dưới niêm mạc, có thực hiện được kỹ thuật ESD hay không. Khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần nội soi đại tràng để cắt tách dưới niêm mạc, tức là tiến hành lấy toàn bộ vùng niêm mạc bị ung thư qua nội soi.
"Đây là một can thiệp tối thiểu, điều trị khỏi bệnh hoàn toàn mà bệnh nhân không cần thời gian nghỉ dưỡng quá lâu. Với kỹ thuật ESD, thời gian nằm viện giảm", PGS Long nói.
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng như chế độ sinh hoạt không điều độ, yếu tố môi trường, di truyền, tuổi tác, polyp. Những người bị polyp đại tràng không chữa trị kịp thời, để lâu ngày sẽ khiến các polyp này có nguy cơ cao phát triển thành ung thư.
Những nhóm cần tầm soát ung thư đại trực tràng là người trên 50 tuổi, người có tiền sử gia đình như bố mẹ, anh chị em mắc bệnh. Những trường hợp trước đó nội soi phát hiện polyp và đã cắt cũng cần tầm soát định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.
Lê Nga