Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng khoa Xạ 2, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, Trưởng Bộ môn Ung thư, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nhiều người ung thư cổ tử cung buộc phải cắt bỏ tử cung, buồng trứng. Xạ trị, hóa trị làm giảm hay mất chức năng của cơ quan sinh sản. Người phụ nữ mắc bệnh sẽ mất khả năng sinh con, làm mẹ, điều trị không hiệu quả dẫn đến tử vong.
"Tuy nhiên, không phải ai bị ung thư cổ tử cung cũng mang án tử. 90% bệnh nhân có thể chữa khỏi hoàn toàn, nếu được can thiệp ở giai đoạn sớm. Khi giữ được buồng trứng, tử cung, họ vẫn thụ thai tự nhiên và sinh con khỏe mạnh", tiến sĩ Linh khẳng định.
Ông đã điều trị cho một bà mẹ 45 tuổi, ở quận 3, TP HCM. Chị đã sinh con thứ hai, là một bé trai, sau khi phẫu thuật điều trị tiền ung thư cổ tử cung. Hiện tại, bé lớn lên bình thường, sức khỏe của hai mẹ con đều tốt.
Ung thư cổ tử cung có nhiều giai đoạn. Giai đoạn tiền ung thư - có những bất thường nếu không điều trị sẽ thành ung thư, ung thư giai đoạn sớm, ung thư giai đoạn muộn, đến giai đoạn di căn. Quá trình này có thể kéo dài tới 20 năm.
Ở giai đoạn tiền ung thư, bác sĩ sẽ phẫu thuật khoét chóp, loại bỏ toàn bộ tế bào ác tính. Từ đó, các mô lành không bị tổn thương. Đồng thời buồng trứng, tử cung được bảo tồn. Sau điều trị khỏi, dù tử cung có khiếm khuyết, có sẹo nhưng khả năng bệnh nhân thụ thai, sinh con vẫn rất cao, nội tiết bình thường.
Tổn thương tiền ung thư nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ diễn tiến thành ung thư xâm lấn. Ở giai đoạn sớm, ung thư còn nhỏ, chưa lan các cơ quan khác thì bác sĩ phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, nạo hạch hay xạ trị hay phối hợp cả hai.
Một số ít các trường hợp bệnh nhân vẫn giữ được khả năng sinh sản nếu giữ được buồng trứng và phần trên tử cung dù khó mang thai hơn. Tỷ lệ điều trị khỏi ở giai đoạn này lên đến 80-90%.
Ở giai đoạn muộn, điều trị phức tạp hơn, thường phải kết hợp xạ trị với hóa trị. Chức năng sinh sản của tử cung và buồng trứng khó có thể giữ lại. Tỷ lệ điều trị khỏi ở giai đoạn này giảm chỉ còn 40-65%.
Giai đoạn ung thư đã tái phát hay di căn xa đến buồng trứng, phổi, gan, xương... điều trị chủ yếu là hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ nhằm giảm triệu chứng và kéo dài sự sống. Tối đa chỉ 15% người bệnh được điều trị ổn lâu dài.
Bác sĩ Linh khuyến cáo, việc phòng tránh ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể thực hiện tốt bằng cách "Tiêm ngừa sớm, tầm soát định kỳ".
Vaccine ngừa HPV hiện được cấp phép ở Việt Nam cho phụ nữ 9-26 tuổi, là biện pháp phòng ngừa đơn giản, hiệu quả.
Tầm soát có thể giúp phát hiện và điều trị các tổn thương tiền ung thư. Phụ nữ đã quan hệ tình dục, 21-29 tuổi, cần xét nghiệm tế bào học Pap, mỗi 3 năm một lần. Từ 30-65 tuổi, nên kết hợp cả xét nghiệm Pap và HPV 5 năm một lần hay là xét nghiệm Pap mỗi 3 năm. Ngoài 65 tuổi, nếu các kết quả tầm soát trước bình thường thì có thể yên tâm không cần đi kiểm tra.
Ngoài ra, phương pháp soi cổ tử cung với Acid Acetic (VIA) giúp phát hiện sớm những thay đổi ở lớp tế bào bề mặt cổ tử cung. Phương pháp này rất đơn giản, không gây đau đớn, kết quả nhanh, chính xác, chi phí thấp.
Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là loại ung thư sinh dục gây tử vong cao ở phụ nữ. Ước tính mỗi năm tại Việt Nam có trên 4.000 ca mới mắc và gần 2.500 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung.
Từ tháng 6 đến tháng 9, Sở Y tế TP HCM phối hợp Tổ chức phi chính phủ FHI 360, khám và xét nghiệm sàng lọc miễn phí ung thư cổ tử cung cho 4.800 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến ngày 25/6, có 2.367 phụ nữ đến các trạm y tế xã phường tầm soát.
Thư Anh