Bác sĩ Quek Swee Chong, Giám đốc Y khoa của Trung tâm khám và điều trị Phụ khoa ở Singapore, cho biết nhóm có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung bao gồm phụ nữ đang có hoạt động tình dục với nhiều đối tác, quan hệ tình dục sớm, từng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes, sùi mào gà... Nguy cơ này càng gia tăng ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, dùng các loại thuốc tránh thai trong thời gian dài, có thói quen hút thuốc.
Trong đó yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư cổ tử cung là virus HPV. Các nghiên cứu cho thấy phần lớn ca ung thư cổ tử cung có liên quan đến virus Papilloma ở người (HPV). Virus này có 150 loại nhưng chỉ 13 loại gây ung thư, trong đó hai type hàng đầu là 16 và 18 là thủ phạm của 70% số ca ung thư cổ tử cung.
Virus HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt phụ nữ có tần suất hoạt động tình dục cao với nhiều đối tác khác nhau có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Để phòng ngừa bệnh này, bác sĩ khuyên mọi phụ nữ nên tiêm ngừa văcxin, nhất là các cô gái trẻ trước khi bắt đầu quan hệ tình dục.
Cả hai loại văcxin ngừa ung thư cổ tử cung hiện nay đều được chứng nhận an toàn bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Văcxin này sử dụng một cái vỏ rỗng của virus để tiêm vào cơ thể người nhằm tạo ''báo động giả'' để hệ kích hoạt miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại HPV. Bác sĩ Quek nhấn mạnh cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm ngừa văcxin HPV gồm ba liều được chia ra trong hơn 6 tháng.
Ung thư cổ tử cung phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Trong giai đoạn đầu, bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng. Khi tiến triển, bệnh nhân thường xuất hiện các dấu hiệu: Chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc giữa các chu kỳ, sau khi mãn kinh, tiết dịch có máu hoặc có mùi hôi, đau bụng dưới hoặc đau trong khi giao hợp. Do vậy bác sĩ khuyên những người đã có quan hệ tình dục từ 25 tuổi trở lên cần làm xét nghiệm kính phết ung thư cổ tử cung (Pap) thường niên hoặc 3 năm một lần, cho đến khi 69 tuổi.