Buổi Tọa đàm trực tuyến về ung thư cổ tử cung trên VnExpress có sự tham gia của Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Phó chủ nhiệm bộ môn ung thư, Đại học Y Dược TP HCM.
Hai bác sĩ nhận hàng trăm câu hỏi của độc giả, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là dấu hiệu phát hiện bệnh sớm, nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả.
Thực trạng bệnh
Đánh giá về thực trạng bệnh ung thư cổ tử cung hiện nay ở Việt Nam, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, thời gian qua, các chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Việt Nam diễn ra khá tốt. 20 năm qua, tỷ lệ mắc ung thư khoảng 20/100.000 ca, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 11/100.000 ca. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung vẫn là bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao.
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có đến 5.000 ca mắc mới, trong đó có khoảng một nửa ca bệnh gây tử vong. Tình trung bình mỗi ngày có 14 người mắc ung thư, trong đó 7 người tử vong vì căn bệnh này. Hàng năm, ở Bệnh viện Từ Dũ có đến 700-800 ca mắc mới ung thư cổ tử cung.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Phó chủ nhiệm bộ môn ung thư, Đại học Y Dược TP HCM chia sẻ thêm, mặc dù ung thư cổ tử cung có thể điều trị nhưng phải trải qua nhiều công đoạn (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị), tốn kém nhiều tiền, điều trị càng trễ càng càng tốn kém và hiệu quả chữa trị không cao. Khi mắc bệnh này, khoảng một phần ba bệnh nhân gặp khó khăn phải chạy tiền khắp nơi để chữa trị, hai phần ba có thể vay mượn, một phần năm trường hợp phải bán đi tài sản để phục vụ điều trị bệnh.
Dấu hiệu nhận biết sớm
Phát hiện sớm các triệu chứng ung thư cổ tử cung có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và chữa trị sớm. 99,7% nguyên nhân gây bệnh do virus HPV gây ra, nó không có triệu chứng điển hình mà nhìn vào có thể biết được. Ngay cả giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung cũng không có biểu hiện rõ ràng. Để phát hiện bệnh, phụ nữ nên đi khám phụ khoa đều đặn, làm các biện pháp sàng lọc. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp thứ cấp. Chúng ta có thể chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vắcxin ngừa HPV.
Liên quan đến virus HPV gây sùi mào gà mà các bé trai ở Hưng Yên, bác sĩ Linh cho biết, nguyên nhân gây sùi mào gà do virus HPV gây ra nhưng có nhiều nhóm HPV khác nhau. Thực chất nguyên nhân gây sùi mào gà là virus HPV nhóm 6 và 11, khác nhóm gây ung thư cổ tử cung. Dù khác nhóm nhưng sùi mào gà cũng có vắcxin dự phòng, nhưng khả năng lây nhiễm cao, biểu hiện sớm. Với HPV hiện không có thuốc trị virus, vì vậy khi nhiễm phải theo dõi sát và tầm soát. Nếu tầm soát tốt thì đa số phát hiện tiền ung thư và chữa thì hoàn toàn dứt điểm.
Phương pháp điều trị
Khi nhiễm HPV, không có thuốc trị con virus này. Nếu nhiễm HPV, chị em cần theo dõi sát, làm các xét nghiệm tầm soát, vì đa phần đều tự khỏi. Nhiễm HPV không đồng nghĩa bị ung thư, cơ thể sản sinh kháng thể chống lại HPV.
Nếu tầm soát tốt và phát hiện bệnh ở giai đoạn tiền ung thư thì bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Trước đó, các bác sĩ thường dùng biện pháp xét nghiệm để tìm xem người đó có bị nhiễm virus HPV không để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Sau khi phát hiện nguyên nhân gây bệnh là do virus HPV, chúng ta có hai cách xử trí, đó là xét nghệm phết tế bào cổ tử cung và xét nghiệm kiểm tra virus HPV. Biện pháp dự phòng chủ động tốt nhất là dùng vắcxin phòng ngừa HPV, bởi vắcxin sẽ tạo kháng thể chống lại virus gây HPV.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh - Phó chủ nhiệm bộ môn ung thư, Đại học Y Dược TP HCM trả lời trực tuyến các thắc mắc của độc giả.
- Ung thư cổ tử cung có phải cắt bỏ cả tử cung không? Ở giai đoạn nào còn có thể trị được? Mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ? (Ngọc Minh, 30 tuổi, Tây Ninh)
- Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh: Không cần cắt bỏ. Ở giai đoạn sớm, với kỹ thuật hiện đại có thể giữ tử cung và khả năng sinh sản. Nếu may mắn chỉ ở giai đoạn tiền ung thư có thể giữ nguyên cổ tử cung. Trong trường hợp ung thư xâm lấn sớm cũng vẫn có thể giữ được tử cung. Tuy nhiên, với giai đoạn muộn nên cắt tử cung, nếu cắt không được thì khó điều trị. Ở giai đoạn không mổ được dù hóa trị, xạ trị thì tỷ lệ điều trị khỏi chỉ 40%.
- Người mắc u xơ cổ tử cung có dễ dẫn đến ung thư cổ tử cung không? Làm thế nào để giảm nguy cơ chuyển hóa thành ung thư cổ tử cung ạ? (Trần Khánh Vy, Đắk Lắk)
- Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh: U xơ cổ tử cung không dẫn đến ung thư cổ tử cung. Bởi gần 100% nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung là do virus HPV. Vì vậy bạn không cần phải lo lắng vì u xơ cổ tử cung không phải phải là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung. Bạn nên thăm khám phụ khoa thường xuyên, các chuyên gia sẽ có cách xử lý tình trạng này.
- Mẹ em bị ung thư cổ tử cung, dì em bị ung thư vú và em rất lo mình cũng bị do yếu tố di truyền. Người quen của em khuyên nên đi Thái Lan hoặc Singapore tầm soát hàng năm vì hiện tại Việt Nam chưa có đầy đủ phương tiện. Xin bác sĩ tư vấn em cần tầm soát như thế nào cho hiệu quả ạ? (Trân, TP HCM)
- Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh: Bạn yên tâm nhé, vì ung thư cổ tử cung không liên quan yếu tố di truyền và gia đình. Riêng bệnh ung thư vú có nguyên nhân do yếu tố di truyền trong gia đình.
Hai loại ung thư này phụ nữ đều có nguy cơ mắc bệnh. Tùy độ tuổi và có gia đình hay chưa mà sẽ có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Nếu còn trẻ, tiêm ngừa được thì bạn nên tiêm vắcxin, còn nếu quá lứa tuổi hoặc đã lập gia đình thì nên tham gia tầm soát ung thư cổ tử cung, còn ung thư vú thì sau 40 tuổi nên tầm soát.
Các phương tiện tầm soát với ung thư vú và cổ tử cung không cần đi đâu xa, vì ở Việt Nam vẫn làm tốt và có nhiều kinh nghiệm.
- Thưa bác sĩ, tôi vẫn thường xuyên thăm khám phụ khoa hàng năm, liệu rằng đã đủ đảm bảo để tôi tránh được ung thư cổ tử cung từ sớm? (Thanh Tuyền (34 tuổi, TP HCM)
- Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh: Thăm khám phụ khoa hàng năm và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo lời khuyên của bác sĩ là biện pháp có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên, chúng ta không thể phòng tránh được hoàn toàn việc nhiễm HPV. HPV lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau, kể cả khi quan hệ có dùng bao cao su. Vì thế, bạn cần đi khám định kỳ, phòng ngừa bằng cách thiết lập lối sống lành mạnh, tiêm vắcxin ngừa HPV, có biện pháp an toàn trong quan hệ, rèn luyện sức khỏe, nghỉ ngơi, tăng sức đề kháng để loại bỏ HPV khỏi cơ thể.
- Nhờ bác sĩ tư vấn cho tôi những cách để giảm nguy cơ mắc bệnh? (Bình Nguyên, Bến Tre)
- Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh: Cách đây nhiều năm, tần suất mắc ung thư cổ tử cung cao, lúc đó tầm soát có nhưng chỉ ở dạng sơ khởi, các yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung là lập gia đình sớm, sinh nhiều con...
Ngoài tiêm ngừa, chị em nên quan hệ tình dục an toàn, chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ. Phụ nữ giờ đây có nhiều điều kiện phòng ngừa hơn trước đây.
- Người bệnh ung thư cổ tử cung có thể ăn uống như người bình thường không, nên hạn chế hay tăng cường loại thức ăn nào. Nhờ bác sĩ Thanh tư vấn giúp ạ. (Hồ Kinh Quốc, 51 tuổi, TP HCM)
- Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh: Chế độ ăn uống vẫn như người bình thường. Tuy nhiên, bạn cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất để có sức khỏe tốt nhất. Yếu tố dinh dưỡng có vai trò quan trọng, hỗ trợ chúng ta trong quá trình trị bệnh, đặc biệt trong trường hợp bạn phải mổ, hóa trị, xạ trị... Sức khỏe yếu sẽ không thể nào trị bệnh.
- Nếu phụ nữ độc thân hoặc chưa qua quan hệ, có phải sẽ an toàn khỏi bệnh này hay không, thưa bác sĩ Linh? (Nguyễn Hạnh, Hải Phòng)
- Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh: Gần như an toàn. Ung thư cổ tử cung xuất phát từ lớp lót cổ tử cung, có 2 lớp chính là tế bào gai (lớp bên ngoài) và mô tuyến (loại bên trong). 2 loại này đều liên quan đến virus HPV nên phụ nữ chưa từng quan hệ tình dục thì hầu như không có nguy cơ bị nhiễm HPV và không cần tầm soát.
- Em muốn đi tiêm để phòng bệnh nhưng còn lo vì nghe nhiều người bảo vắcxin có tác dụng phụ. Điều này có đúng không và tác dụng phụ là gì? Thanh Hồng (Hà Nội)
- Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh: Đối với một loại vắcxin, khi được phép lưu hành đã phải trải qua nhiều nghiên cứu, sàng lọc. Trong quá trình nghiên cứu, câu hỏi đầu tiên các chuyên gia, bác sĩ đặt ra là có an toàn hay không, có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, sau đó mới đến nó có hiệu quả hay không. Vắcxin chỉ có tác dụng phụ tại chỗ như: đau nhẹ ở nơi tiêm, sốt nhẹ. Hiện nay có nhiều triệu liều vắcxin trên thế giới đã được sử dụng, ngay cả con gái tôi đã tiêm vắcxin phòng bệnh này.
- Con tôi năm nay được 6 tuổi. Cách đây 3 năm khi đang học mẫu giáo, do cháu khó chịu ở bộ phận dưới nên tôi dẫn đi khám và kết quả là cháu bị HPV tuýp 16. Ở nhà tôi không ai bị nhiễm bệnh này và cháu cũng không bị xâm hại. Hiện cháu đã chữa trị hết rồi nhưng nguy cơ nhiễm lại có cao không và có cách nào giúp bé phòng được việc tái nhiễm không? (Phạm Thị Út, 27 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh: HPV tuýp 16 thông thường không có triệu chứng, cũng có thể là nhiễm siêu vị nhẹ. Thông thường việc lây nhiễm là do có nguồn tiếp xúc hoặc phơi nhiễm. Tuy nhiên nhiều khả năng cơ thể sinh kháng thể loại trừ HPV đi. Vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vắcxin. Các loại vắcxin hiện nay đều ngừa được HPV tuýp 16. Nhìn chung hiệu quả ngừa từng tuýp HPV đạt gần như 100%. Bạn nên cho cháu tiêm ngừa sớm khi cháu đến tuổi để đạt hiệu quả tốt.
- Trước đây việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung chưa được phổ biến nên thế hệ chúng tôi có rất ít người được tiêm phòng văcxin này. Bác sĩ Thanh có thể cho biết, việc tiêm phòng khi gần 40 tuổi có còn hiệu quả không, và có nên tiêm không? Nếu không tiêm thì có biện pháp gì khác để phòng ngừa tốt nhất? (Hà Lê, 38 tuổi, Hà Nội)
- Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh: Lứa tuổi của chị nằm ngoài độ tuổi Bộ Y tế cấp phép tiêm phòng. Theo đó, độ tuổi tiêm vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung là 19-26 tuổi.
Ở độ tuổi 40, nếu tiêm vắcxin vẫn còn hiệu quả, vẫn có khả năng tạo kháng thể phòng ngừa virus HPV, tuy nhiên, chúng ta nên tuân theo quy định của Bộ Y tế. Trong trường hợp này, chị nên thăm khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, giữ lối sống lành mạnh, vệ sinh sạch sẽ.
- Tôi có cần làm xét nghiệm gì trước khi chích ngừa? (Ngọc, Hà Nội)
- Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh: Thực chất là không cần làm bất cứ xét nghiệm nào vì hiệu quả tiêm ngừa khi thử nghiệm lâm sàng đã có tính toán, không cần làm xét nghiệm trước.
- Virus HPV lây nhiễm qua đường nào? Nếu chỉ quan hệ bên ngoài mà không giao hợp thì có bị bệnh không? (Hồng, Đắk Lắk)
- Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh: Vẫn có thể bị bệnh, HPV có khả năng lây nhiễm khi các bạn thân mật bằng tay hay miệng kể cả khi không giao hợp.
- Xin bác sĩ cho biết có những loại vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung nào ạ?
- Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh: Tại Việt Nam hiện lưu hành 2 loại vắcxin ngừa HPV được cấp phép lưu hành: một loại ngừa được 2 nhóm, một loại ngừa được 4 nhóm. Nếu xét về góc độ ngừa ung thư cổ tử cung, thì cả hai loại này đều ngừa được hai nhóm HPV gây ung thư cổ tử cung, nên khó có thể nói loại nào hơn loại nào. Nhưng, loại vắcxin 4 nhóm thì sẽ ngừa được cả mụn cóc sinh dục. Cho nên, tùy điều kiện kinh tế và nhu cầu phòng ngừa của mỗi người mà chọn loại phù hợp
- Thưa bác sĩ Thanh, lý do tại sao phụ nữ các nước trên thế giới vẫn có thể tiêm vắcxin ngoài độ tuổi 26. Tại sao Việt Nam lại quy định từ 9-26. Nếu phụ nữ trên 26 tuổi muốn tiêm thì phải làm sao? (Huyền, Đà Nẵng)
- Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh: Việc cấp phép lưu hành vắcxin và tiêm phòng vắcxin được dựa trên các nghiên cứu khoa học. Đối tượng nghiên cứu tiêm vắcxin được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép nằm trong lứa tuổi 9-26. Ở các nước ngoài, họ dựa vào nghiên cứu cấp quốc gia của họ, có thể vượt quá 26 nên phụ nữ các nước này vẫn có thể tiêm văcxin.
Nếu bạn muốn tiêm khi đã quá 26 tuổi thì có thể chờ đời sự thay đổi từ Bộ Y tế. Tuy nhiên, bạn nên phòng tránh bệnh bằng cách thăm khám phụ khoa, tầm soát ung thư và giữ lối sống lành mạnh để không lây nhiễm virus HPV.
- Những lưu ý quan trọng nhất cho chị em về ung thư cổ tử cung là gì ạ? (Khánh, Cần Thơ)
- Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh: Phụ nữ nên có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt, luyện tập phù hợp. Chế độ dinh dưỡng cần đủ chất để thể chất lẫn tinh thần đều khỏe mạnh.
- Nếu còn nằm trong lứa tuổi tiêm ngừa vắcxin, bạn nên đi tiêm ngừa ngay lập tức.
- Tuân thủ khuyến cáo thăm khám phụ khoa định kỳ, làm các xét nghiệm tầm soát để phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
- Nếu trong gia đình có con gái, em gái trong lứa tuổi 9-26 tuổi cần đưa đi tiêm ngừa để tránh bệnh.
- Khi chúng ta muốn tìm hiểu thông tin y học, vắcxin thì nên tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và nguồn báo chí chính thống để nắm thông tin
- Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh: Nếu đã qua lứa tiêm ngừa hoặc trong đợt tầm soát còn hiệu lực mà có triệu chứng bất thường về phụ khoa nên đến bác sĩ ngay. Vì dù tiêm ngừa, tầm soát thì vẫn có thể xuất hiện nguy cơ ung thư trong thời gian đó. Những triệu chứng sớm như chảy máu âm đạo bất thường sau quan hệ tình dục, chảy máu khi đã mãn kinh, huyết trắng dai dẳng hoặc có bất thường nào về phụ khoa nên đến bác sĩ ngay. Những triệu chứng đó có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh nhưng một trong số đó là ung thư cổ tử cung.
Phát Đạt