Ứng dụng di động tên Digi Police có tính năng xua đuổi kẻ sàm sỡ phụ nữ trên những chuyến tàu chật chội vào giờ cao điểm của cảnh sát Tokyo đã trở nên nổi tiếng ở Nhật Bản.
Chỉ cần bấm nút, điện thoại của nạn nhân sẽ phát ra tiếng kêu "Dừng tay" với âm lượng cực lớn. Người dùng còn có thể chọn cách hiển thị thông báo toàn màn hình với nội dung "Có kẻ sàm sỡ. Xin cứu giúp" để đưa cho các hành khách khác đọc.
"Hiện có hơn 237.000 lượt tải, mức "cao lạ thường" với ứng dụng dịch vụ công, và mỗi tháng lại có thêm 10.000 lượt tải mới", đại diện sở cảnh sát thành phố Tokyo cho biết.
Ứng dụng miễn phí này được Sở Cảnh sát thành phố Tokyo giới thiệu từ ba năm trước, ban đầu là để cung cấp thông tin về các vụ lừa đảo cho người cao tuổi, người làm bố mẹ và trẻ em. Vài tháng sau, tính năng "xua đuổi kẻ sàm sỡ" được thêm vào nhưng không nhiều người chú ý đến. Chỉ tới cuối năm 2018, phần mềm này mới đột ngột nổi tiếng sau việc một nữ ca sĩ bị xâm hại.
Số liệu gần nhất của Sở cảnh sát thành phố Tokyo cho thấy năm 2017 có 900 vụ sờ soạng và quấy rối phụ nữ xảy ra trên tàu điện Tokyo. Tuy nhiên, đây chỉ là "phần nổi" vì nạn nhân thường e ngại việc báo cảnh sát. Các nạn nhân thường quá sợ hãi để kêu cứu nhưng thông qua ứng dụng, họ có thể báo động cho các hành khách khác về hành vi sờ soạng mà không phải lên tiếng.
Một cảnh sát cho rằng ứng dụng này có thể rất hữu hiệu với những nạn nhân có xu hướng "im lặng" vì kẻ xâm hại thường nhắm vào những người nhút nhát và dè dặt, một chuyên gia công tác xã hội cho biết. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này đã được nâng cao trong những năm gần đây khi ngày càng nhiều phụ nữ trao đổi với nhau qua mạng về những mẹo giúp phòng tránh kẻ xấu.
Theo pháp luật Nhật Bản, người nào có hành vi quấy rối tình dục phụ nữ sẽ bị phạt tối đa 6 tháng tù và 500.000 yên nhật. Nếu có yếu tố vũ lực hoặc đe dọa, mức phạt tù tối đa là 10 năm tù.
Quốc Đạt (Theo Japan Today)