Theo Legal Daily, điều 237 Bộ luật hình sự Trung Quốc quy định người nào dùng vũ lực, gây áp lực, hoặc dùng các phương thức khác để cưỡng ép, quấy rối phụ nữ hoặc để làm nhục phụ nữ sẽ bị phạt tối đa 5 năm tù. Nếu phạm tội tại nơi đông người hoặc nơi công cộng, mức phạt có thể trên 5 năm tù, mức phạt sẽ tăng thêm nếu nạn nhân là trẻ em.
Điều 42 Luật Xử phạt quản lý trị an sửa đổi năm 2012 quy định người nào nhiều lần gửi đi tin nhắn tục tĩu, xúc phạm, dọa nạt, hay có các hành vi quấy rầy cuộc sống bình thường của người khác, hoặc để làm nhục người khác sẽ bị phạt tối đa năm ngày tù giam hoặc phạt tiền tối đa 500 nhân dân tệ. Trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt 5-10 ngày tù và phạt thêm 500 nhân dân tệ.
Theo điều 354, 509 Bộ luật Hình sự của Malaysia, người nào dùng vũ lực với ý định xâm hại phẩm giá của người khác, hoặc biết hành động của mình có khả năng xâm hại phẩm giá của người khác sẽ bị phạt tù tối đa 10 năm, đi kèm phạt tiền và phạt roi. Người có hành vi dùng lời lẽ, cử chỉ hoặc phô bày đồ vật với ý định xúc phạm nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tiền và phạt tù tối đa 5 năm.
Theo Feminism In India, điều 354A Bộ luật Hình sự của Ấn Độ xác định quấy rối tình dục là bao gồm hành vi tán tỉnh, đụng chạm cơ thể, yêu cầu hoặc đòi hỏi tình dục, cưỡng ép đối phương xem nội dung khiêu dâm, đưa ra lời nhận xét có sắc thái tình dục, hoặc các hành vi không mong muốn khác có bản chất tình dục, dù dưới dạng hành động, ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền và phạt tù tối đa ba năm.
Điều 354B nghiêm cấm hành vi tấn công, dùng vũ lực ép buộc phụ nữ cởi bỏ quần áo. Người vi phạm có thể bị phạt tiền và 3-7 năm tù. Điều 354C cũng quy định người nào nhìn trộm hoặc ghi lại cảnh phụ nữ thực hiện hành động riêng tư sẽ bị phạt tiền và từ một tới 3 năm tù, nếu tái phạm sẽ bị phạt 3-7 năm tù.
Philippines có Luật chống quấy rối tình dục 1995, quy định người nào vi phạm sẽ bị phạt tù một tới 6 tháng, phạt tiền từ 10.000-20.000 PHP (khoảng 200-400 USD)