Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Nhưng từ đầu tháng 10, Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, vẫn cho người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này đã dừng sử dụng ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt trên các nền tảng trên sau gần 2 tháng hoạt động trái phép tại Việt Nam.
"Không hiển thị bằng tiếng Việt, Temu sẽ không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, như các nền tảng xuyên biên giới Amazon, hay Alibaba. Tức, họ không còn bị coi là hoạt động trái phép tại Việt Nam", đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nói với VnExpress.
Dù vậy, người dùng trong nước vẫn có thể tải app, chọn mua hàng trên ứng dụng Temu với phiên bản tiếng Anh. Khi xác nhận đặt hàng, người dùng vẫn bị trừ tiền qua thẻ tín dụng. Nền tảng này cũng giữ chính sách bán hàng tại Việt Nam được áp dụng từ tháng 11. Theo đó, khách hàng chỉ có thể chốt đơn với giá trị tối thiểu 887.000 đồng và không quá một triệu đồng.
Thực tế, nhiều đơn hàng từ Temu đã không được giao tới tay người sau quy định ngừng thông quan với hàng mua từ sàn chưa đăng ký. Chị Mỹ Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) đặt một đơn hàng trên Temu ngày 4/11 và được thông báo nhận khoảng 7-10/11. Tuy nhiên, đến 5/11, đơn này được thông báo hoãn "do bão và các điều kiện thời tiết khác". "Tới 21/11, họ tiếp tục cập nhật đơn hàng bị thất lạc, do đó, tôi khiếu nại và được hoàn tiền sau đó 2 ngày", chị nói.
Temu thông báo với người dùng rằng đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. Dù có yêu cầu không thông quan hàng mua qua sàn chưa đăng ký, Temu vẫn cam kết đền 25.000 đồng nếu giao trễ, hoàn tiền nếu trong 15 ngày không cập nhật tiến độ giao hàng.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các đơn hàng mua trên nền tảng này không được thông quan vào Việt Nam cho tới khi nhà chức trách cấp phép.
Trước đó, nhà chức trách yêu cầu trong thời gian đăng ký, các sàn thương mại điện tử phải có thông báo chính thức trên ứng dụng, website tới người tiêu dùng. Họ cũng phải dừng tất cả hoạt động dịch vụ, thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết phía Temu đang hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để hoàn thiện thủ tục. "Họ tuân thủ các yêu cầu trong quá trình làm thủ tục. Song, hồ sơ thương mại điện tử thông thường rất phức tạp do yêu cầu nhiều tính năng khác nhau. Đây cũng là lần đầu thực hiện nên họ có vướng mắc nhất định, cần thời gian để bổ sung thông tin theo yêu cầu", ông nói.
Phương Dung