Phương pháp trị liệu bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) ngày càng được áp dụng rộng rãi trong thực hành y học, nhất là trong điều trị các tổn thương hệ cơ xương khớp. Tại khoa Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, huyết tương giàu tiểu cầu đang được sử dụng thường quy và trở thành giải pháp trị liệu sinh học đáp ứng được yêu cầu trị liệu của các vận động viên chuyên nghiệp.
Huyết tương giàu tiểu cầu là gì?
Huyết tương giàu tiểu cầu có tên tiếng Anh là Platelet-rich Plasma (PRP). Đây là một chế phẩm từ máu sau khi được tách và loại bỏ hồng cầu, bạch cầu và làm giàu nồng độ tiểu cầu lên gấp nhiều lần (2-8 lần) so với nồng độ tiểu cầu bình thường trong máu ngoại vi.
Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong ngừng chảy máu ở vết thương bằng việc tạo nút tiểu cầu. Từ đó, các thành phần khác liên kết để tạo thành cục máu đông giúp bịt kín miệng các mạch máu nhỏ và vết thương. Tiểu cầu còn có vai trò khởi động và kích thích quá trình liền vết thương, các tổn thương (gọi chung là liền thương) nhờ có nhiều các yếu tố kích thích tăng trưởng và liền vết thương.
Nguồn gốc và vai trò của huyết tương tiểu cầu (PRP)
PRP được chiết tách, phân lập từ chính máu của người điều trị bằng cách lấy khoảng 30 ml máu từ tĩnh mạch ở tay hoặc chân, sau đó cho vào máy ly tâm tốc độ cao để tách và loại bỏ hồng cầu, bạch cầu và một phần huyết tương nghèo tiểu cầu để tách chiết ra khoảng 3-5 ml huyết tương giàu tiểu cầu.
Huyết tương giàu tiểu cầu được tiêm hoặc đưa vào vùng tổn thương, các tế bào tiểu cầu nhờ đặc tính có thể phát hiện, tìm đến và tập trung tại vị trí thương tổn. Từ đó, tiết ra các chất hóa học có bản chất là protein (gồm các yếu tố tăng trưởng và một số yếu tố khác) sẽ kích thích các tế bào lành ở xung quanh nơi tổn thương phân chia và tham gia vào sửa chữa các thương tổn, kích thích liền thương, giúp quá trình này nhanh và ổn định hơn.
Ứng dụng trong điều trị chấn thương thể thao
Đối với các vận động viên, những áp lực về yêu cầu thi đấu cũng như cạnh tranh khốc liệt rất cần thực hiện các động tác khó đòi hỏi tốc độ, sức lực cùng nhiều những va chạm khi thi đấu tiềm ẩn nguy cơ chấn thương cao. Các chấn thương trong hoạt động thể thao có nhiều dạng, từ tổn thương da đến gân, cơ, xương... với nhiều mức độ từ nhẹ đến vừa, nặng và thậm chí nghiêm trọng có nguy cơ tàn phế.
Khi bị chấn thương, các vận động viên luôn mong muốn nhanh chóng phục hồi, lấy lại sức lực, kỹ thuật và phong độ để đảm bảo việc luyện tập và thi đấu. Bác sĩ Vũ Tú Nam - Trưởng Đơn vị Y học thể thao, khoa Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết, huyết tương giàu tiểu cầu được minh chứng là giải pháp hiệu quả trong điều trị các chấn thương cho vận động viên và những người yêu thích hoạt động thể thao.
Trong các chấn thương thể thao, huyết tương giàu tiểu cầu được sử dụng với hai tác dụng chính là giảm viêm và đẩy nhanh quá trình tái tạo, từ đó giúp khả năng vận động và phong độ chơi thể thao nhanh chóng phục hồi.
- Giảm viêm điểm bám gân vùng khuỷu
Viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu vùng khuỷu rất thường gặp ở các vận động viên sử dụng lặp đi lặp lại nhiều các cử động vùng cổ tay và cần cầm nắm chặt. Huyết tương giàu tiểu cầu được sử dụng để điều trị chứng viêm mạn tính vùng mỏm trên lồi cầu ở vùng khuỷu cho các vận động viên từ năm 2006 và vẫn đang được nghiên cứu, ứng dụng cho đến nay.
- Giảm viêm gân Achilles
Tổn thương do quá tải của gân Achilles (hay gân gót) thường gặp ở các vận động viên nam chơi các môn cần phải chạy, nhảy nhiều nhưng cũng có thể gặp ở những người trung niên ngồi văn phòng nhiều. Huyết tương giàu tiểu cầu được sử dụng để điều trị bệnh lý viêm gân Achilles từ những năm 2010 và cho thấy rằng cải thiện rõ rệt tình trạng viêm gân Achilles, giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn.
- Giảm viêm gân bánh chè
Các vận động viên thường xuyên phải nhảy cao như trong môn bóng rổ hay bóng chuyền thường bị viêm điểm bám gân bánh chè ở chồi xương phía mặt trước dưới gối (lồi củ chày). Điều trị viêm gân bánh chè bằng huyết tương giàu tiểu cầu được báo cáo lần đầu vào năm 2007 và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và áp dụng cho đến nay.
- Điều trị các chấn thương, tổn thương dây chằng
Các tổn thương bong gân, giãn dây chằng vùng cổ tay, khuỷu tay, cổ chân... là chấn thương thường gặp trong các hoạt động thể thao và sinh hoạt thường ngày. Những tổn thương này thường lặp đi lặp lại gây đau dai dẳng, ảnh hưởng đến phong độ, khả năng thi đấu. "Giải pháp điều trị nội khoa thông thường không cải thiện hoặc thời gian phục hồi khá dài thì tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vùng tổn thương là giải pháp đã chứng minh được những ưu điểm", bác sĩ Tú Nam Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết.
Đứt dây chằng chéo trước là tổn thương dây chằng hay gặp nhất vùng gối, nhất là gặp nhiều ở vận động viên các môn cần tốc độ nhanh, hay phải chuyển hướng đột ngột hoặc thường xuyên giậm nhảy, tiếp đất như đá bóng, bóng rổ, bóng chuyền... Những trường hợp đứt dây chằng chéo có chỉ định phẫu thuật, huyết tương giàu tiểu cầu có thể kích thích quá trình liền và chuyển đổi mảnh ghép. Ở những trường hợp chấn thương đứt không hoàn toàn dây chằng mà có thể điều trị bảo tồn (không mổ), huyết tương giàu tiểu cầu cũng có thể giúp quá trình hồi phục được rút ngắn đáng kể mà thường không gây ra tác dụng phụ.
- Điều trị các tổn thương cơ
Các chấn thương, rách và đụng giập cơ rất thường gặp trong thể thao, thường mất nhiều thời gian để phục hồi và dễ bị tái phát trong quá trình luyện tập, thi đấu. Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu có lợi trong cải thiện và rút ngắn thời gian phục hồi cho vận động viên. Bác sĩ Vũ Tú Nam cho biết, vận động viên có thể quay trở lại luyện tập và thi đấu, thậm chí có thể phục hồi hoàn toàn chỉ mất khoảng một nửa thời gian so với dữ liệu khi gặp chấn thương.
- Điều trị các tổn thương sụn khớp, sụn chêm
Tổn thương sụn khớp, nhất là ở khớp gối và cổ chân tuy không phổ biến bằng các chấn thương dây chằng nhưng những tổn thương này lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng các khớp. Nếu không điều trị triệt để thì vận động viên không thể có cơ hội tiếp tục tập luyện và thi đấu. Huyết tương giàu tiểu cầu được các chuyên gia nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm trong các trường hợp này đã có kết quả điều trị thành công ngoài mong đợi. Các chấn thương sau điều trị có thời gian lành ngắn hơn và kết quả phục hồi tốt hơn so với các trường hợp không sử dụng.
- Điều trị rách chóp xoay ở vai
Rách chóp xoay khá phổ biến ở các vận động viên thể thao cần hoạt động vai nhiều như bơi, bóng chày, bóng rổ, cầu lông... Phương pháp điều trị tối ưu trong trường hợp này là phẫu thuật nội soi khâu lại gân đứt... Sau phẫu thuật, việc sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu giúp gân liền và nhanh hơn, giảm tỷ lệ đứt lại (tái chấn thương) và tăng khả năng phục hồi cho vận động viên.
Quy trình sử dụng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
- Đánh giá tổn thương
Người được thăm khám được xem xét cẩn thận, đánh giá kỹ lưỡng để xác định chính xác tổn thương và đưa ra phác đồ điều trị với các chuyên gia tại khoa Phẫu thuật khớp và Y học thể thao. Nếu có chỉ định tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, bạn sẽ được chuyển sang phòng lấy mẫu để tiến hành lấy máu.
- Thực hiện tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân trong điều trị các chấn thương thể thao được triển khai và phối hợp chặt chẽ giữa khoa Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao và Trung tâm Tế bào gốc. Điều này giúp việc xử lý mẫu máu để thu được huyết tương giàu tiểu cầu tự thân của người bệnh được xử lý một cách liền mạch trong công nghệ tiên tiến nhất.
Các thao tác đảm bảo vô khuẩn, máu được xử lý trong lab của Trung tâm Tế bào gốc với máy ly tâm. Kỹ thuật tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu được thực hiện bởi những kỹ thuật viên cao cấp trở thành chế phẩm sinh học có chỉ tiêu chất lượng cao và an toàn khi sử dụng.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Sau khi Trung tâm tế bào gốc tách chiết được lượng huyết tương giàu tiểu cầu cần thiết, các bác sĩ sẽ thực hiện tiêm vào vùng tổn thương trong điều kiện đảm bảo vô khuẩn và với sự hỗ trợ của máy siêu âm chuyên dụng để chắc chắn đưa huyết tương giàu tiểu cầu vào đúng nơi tổn thương để đảm bảo hiệu quả và tác dụng của phương pháp trị liệu.
Bác sĩ Tú Nam Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, huyết tương giàu tiểu cầu được lấy và tách chiết từ chính máu của người cần điều trị trong điều kiện đảm bảo vô khuẩn nên rất an toàn, không gây phản ứng kích ứng hay dị ứng. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thủ thuật lấy máu và tiêm huyết tương giàu tiểu cầu được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn cao, đồng thời đây là thủ thuật rất ít xâm lấn nên không ra tổn thương đáng kể nào.
Bác sĩ Tú Nam cũng chia sẻ thêm, phương pháp trị liệu bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi trong thực hành y học tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhất là trong điều trị các tổn thương hệ cơ xương khớp, là giải pháp trị liệu sinh học đáp ứng được yêu cầu trị liệu của nhóm người ưa hoạt động thể thao và các vận động viên chuyên nghiệp với các lợi thế như an toàn, hiệu quả, kỹ thuật hiện đại, chính xác, đảm bảo vô trùng, rất ít đau đớn và không có tác dụng phụ, quy trình đơn giản, không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt hàng ngày, rút ngắn thời gian điều trị, nhanh chóng phục hồi.
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)