Đầu gối là một trong những khớp lớn nhất trên cơ thể, gồm 3 xương tạo thành: xương đùi, xương cẳng chân (xương chày) và xương bánh chè. Các đoạn xương này được nối với nhau bằng mạng lưới với rất nhiều dây chằng, sụn, gân và cơ. Đầu gối là cấu trúc quan trọng chi phối việc di chuyển và chịu sức nặng nên dễ gặp chấn thương. Tùy vào loại chấn thương, người bệnh sẽ được chỉ định chụp chiếu, chẩn đoán và đề xuất các giải pháp điều trị khác nhau sao cho hiệu quả và ít rủi ro nhất.
Các chấn thương đầu gối thường gặp trong thể thao
- Chấn thương dây chằng chéo trước
Dây chằng chéo trước (ACL) chạy chéo từ trên xuống dưới ở mặt trước khớp gối, mang lại cho khớp sự ổn định quan trọng. Chấn thương ACL có thể nghiêm trọng và cần phẫu thuật. Loại chấn thương này được xếp từ độ 1 đến độ 3. Bong gân độ 1 là tổn thương nhẹ đối với ACL, trong khi độ 3 là rách gần như hoàn toàn.
Các vận động viên trong các môn thể thao cường độ cao như bóng đá, bóng bầu dục thường bị chấn thương dây chằng chéo trước. Tuy nhiên, va chạm trong thể thao không phải nguyên nhân duy nhất gây ra thương tích này.
Bên cạnh đó, tiếp đất không đúng cách khi nhảy cao hoặc chuyển hướng đột ngột cũng có thể dẫn đến rách dây chằng chéo trước.
- Chấn thương dây chằng giữa gối
Dây chằng giữa gối (MCL) bị chấn thương khi dây chằng trung gian bị giãn, đứt hoặc bong rách. Dây chằng giữa gối kéo dài từ mặt trong của đầu trên xương cẳng chân (xương chày) lên mặt trong của đầu dưới xương đùi, giúp giữ ổn định xương cẳng chân.
Dây chằng giữa gối thường bị tổn thương do áp lực lên mặt ngoài khớp gối. Lực này khiến mặt ngoài khớp gối cong lại và mặt trong mở rộng ra. Khi bị kéo giãn quá mức, dây chằng bị rách và tổn thương. Các triệu chứng thường gặp của chấn thương dây chằng giữa gối như sưng đầu gối, đau đầu gối, khó khăn khi di chuyển đầu gối, cảm giác cứng khớp gối, kẹt khớp, cảm giác không vững chân...
- Rách sụn chêm
Tổn thương rách sụn chêm có thể xảy ra đơn độc. Tuy nhiên đa phần các trường hợp thường đi kèm với tổn thương đứt dây chằng chéo, hoặc là hậu quả của một tổn thương đứt dây chằng chéo trước đó nhưng không được điều trị.
Rách sụn chêm nếu nhỏ và ở vùng giàu mạch nuôi có thể tự liền sau khoảng 6 tuần điều trị đúng cách. Các tổn thương rách lớn với độ phức tạp cao, hoặc rách tại các vị trí khó liền như vùng ít mạch nuôi, rách điểm bám sừng sau, rách bong khỏi mặt mâm chày... cần phải được chẩn đoán và can thiệp bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm về phẫu thuật nội soi khâu sụn chêm, mới có hy vọng bảo tồn được cấu trúc này.
Trong trường hợp không thể khâu lại được, cắt sụn chêm một phần hoặc hoàn toàn là hương án cuối cùng giúp bệnh nhân đỡ đau, phục hồi tầm vận động khớp gối. Tuy nhiên về lâu dài khớp gối bị mất sụn chêm sẽ có nguy cơ cao thoái hóa sớm.
- Trật khớp vùng gối
Trật khớp gối thường được hiểu là trật khớp đùi - chày, là chấn thương rất nặng. Do các thành phần của khớp gối được liên kết với nhau rất vững chắc bằng hệ thống gân cơ, bao khớp, dây chằng. Vì vậy cần một lực tác động rất mạnh gây đứt rách nhiều thành phần kể trên mới có thể làm trật khớp gối. Bệnh nhân trật khớp gối thường chơi các môn thể thao đối kháng mạnh như bóng bầu dục, rugby...
Trật khớp gối là tình trạng cấp cứu, tỷ lệ tổn thương mạch máu, thần kinh dẫn đến hậu quả phải cắt cụt chân lên đến 10%. Vì vậy, cần phát hiện, xử trí đúng cách càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng xấu nhất. Tuy vậy, đa phần các bệnh nhân trật khớp gối đều cần đến nhiều cuộc phẫu thuật để có thể tái tạo các cấu trúc tổn thương, nhằm phục hồi chức năng khớp gối.
- Bong điểm bám gân/dây chằng vùng gối
Đây là dạng tổn thương có nguyên nhân, cơ chế giống với tổn thương đứt dây chằng. Tuy nhiên, hậu quả thay vì gây đứt ngang dây chằng, gân, thì phần xương mà dây chằng, gân ấy bám vào lại bị "nhổ" bung lên, tương tự như việc bạn cầm thân cây nhổ bật rễ cây. Ở đây phần xương điểm bám của gân, dây chằng chính là rễ cây.
Các tổn thương dạng này thường gặp bao gồm: Bong điểm bám dây chằng chéo trước, bong điểm bám dây chằng chéo sau, bong điểm bám dây chằng bên trong, ngoài và một trường hợp đặc biệt là bong điểm bám gân bánh chè.
Các phương pháp chẩn đoán và điều trị
- Phương pháp chẩn đoán
Khai thác tiền sử, bệnh sử và khám lâm sàng. Đây chính là bước đầu tiên để xác định dấu hiệu đau của bệnh nhân từ khi nào, lý do vì sao, sai lệch vị trí xương hay không, có sưng nề vùng đầu gối hay không...
Chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh được các bác sĩ sử dụng như chụp X-quang (xác định loại trừ nguyên nhân do gãy xương); Chụp cộng hưởng từ MRI hoặc siêu âm (chẩn đoán xác định mức độ thương tổn); Nội soi khớp (quan sát khớp bằng cách đưa thiết bị nội soi vào phía trong khớp bằng một vết rạch nhỏ. Dựa vào hình ảnh quan sát để xác định được loại và mức độ chấn thương cũng như phương pháp điều trị).
- Phương pháp điều trị
Sơ cứu các chấn thương đầu gối
Nguyên tắc cơ bản trong sơ cứu chính là không làm tổn hại thêm tình trạng của người bệnh. Các chấn thương nặng không tự ý kéo nắn khớp nếu không phải nhân viên y tế. Các vết thương hở cần dùng gạc hoặc vải sạch, ép vào miệng vết thương để cầm máu. Với các vết thương mà người bệnh không quá đau đớn cần trợ giúp cố định khớp gối cho bệnh nhân bằng nẹp gỗ hoặc nẹp chuyên dụng, sau đó đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám.
Điều trị không phẫu thuật
Với những tổn thương ở mức độ nhẹ hoặc những bệnh nhân có tuổi và cường độ vận động thấp, bệnh nhân có thể thực hiện điều trị bằng phương pháp RICE kết hợp sử dụng đai cố định, nẹp để cố định giúp bảo vệ đầu gối khỏi tình trạng mất vững. Bên cạnh đó, vật lý trị liệu phục hồi chức năng là biện pháp thường được áp dụng nhằm tăng cường sức mạnh các cơ ở chân, hỗ trợ phục hồi tốt hơn chức năng vận động của đầu gối sau chấn thương.
Phẫu thuật
Đối với các trường hợp chấn thương ở mức độ năng, bác sĩ sẽ xem xét và yêu cầu thực hiện phẫu thuật. Đối với phẫu thuật đầu gối sẽ tùy thuộc vào các tổn thương mà có các biện pháp phẫu thuật khác nhau. Ví dụ như: phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi... bác sĩ sẽ căn cứ trên tình trạng tổn thương của bệnh nhân để chỉ định những phương pháp phẫu thuật thích hợp.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Trung Dũng, Phụ trách chuyên môn khoa Phẫu thuật Khớp và Y học Thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trong phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo mới, vị trí đặt dây chằng chính xác là yếu tố đầu tiên quyết định thành công. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, việc ứng dụng Robot Artist Pheno có khả năng dựng hình ảnh 3D chính xác giúp việc đặt dây chằng chéo trước chính xác đến 0,1mm. Kết hợp với việc tập phục hồi chức năng trước và sau mổ, người bệnh sẽ phục hồi nhanh chóng và có thể trở lại sân chơi thể thao sớm.
Bên cạnh kỹ thuật mổ tái tạo dây chằng dưới sự hỗ trợ của Robot, phẫu thuật nội soi nối bảo tồn dây chằng - phương pháp mới nhất trong việc điều trị đứt dây chằng cũng đã được đưa vào thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM giúp người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng, hoạt động bình thường sau hai tuần và thậm chí nếu kết quả tập vật lý trị liệu tốt thì có thể quay lại chơi thể thao nhẹ nhàng chỉ sau 3 tháng.
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, phương pháp này sẽ giữ nguyên dây chằng bị đứt, khâu nối lại, bảo toàn nguyên vẹn các thành phần của dây chằng và gân xung quanh. Vì thế, thời gian tự lành nhanh hơn là cơ thể phải tự tái tạo dây chằng mới.
Các chuyên gia nhấn mạnh, để hạn chế các chấn thương đầu gối, chúng ta nên tập luyện và chơi thể thao đúng cách. Người chơi nên có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sĩ, kỹ thuật viên hoặc huấn luyện viên thể thao để có thể thực hiện các bài tập một cách phù hợp. Bên cạnh đó, người chơi thể thao cũng nên thực hiện các bài tập khởi động đúng phương pháp và hạn chế va chạm trong quá trình tập luyện để có thể phòng ngừa các chấn thương đầu gối.
Cùng với việc tập luyện thể thao đúng cách, việc đề cao an toàn trong lao động và thực hiện tốt an toàn giao thông, phòng tránh té ngã cũng là phương pháp để có thể hạn chế các chấn thương đầu gối có thể xảy ra.
Quy tụ đội ngũ y bác sĩ đầu ngành giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm; kết hợp đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại: đảm bảo điều kiện gây mê hồi sức tích cực tốt, phòng mổ vô khuẩn, chăm sóc hậu phẫu tốt, hướng dẫn người bệnh tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng sau phẫu thuật; thực hiện những kỹ thuật phẫu thuật chuyên sâu đầu tiên tại Đông Nam Á, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật đầu gối ít xâm lấn, giảm thiểu tối đa biến chứng trong và sau mổ như nhiễm trùng, đau sau mổ, tổn thương gân tái phát sau một thời gian... giúp bệnh nhân phục hồi nhanh, sớm đi lại và vận động như bình thường.
Để đăng ký khám và điều trị chấn thương thể thao tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, vui lòng liên hệ:
- Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội. Hotline: 1800 6858
- TP HCM: 2B Phổ Quang, P.2, quận Tân Bình, TP HCM. Hotline: 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Website: https://tamanhhospital.vn
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)