Ngày 16/12, UNESCO công bố quyết định ghi Văn hóa bán hàng rong của Singapore vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, sau hai năm quốc gia này trình đề cử.
"Là một không gian xã hội thu hút mọi người từ các nền kinh tế xã hội đa dạng, các trung tâm bán hàng rong đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tương tác cộng đồng, củng cố liên kết xã hội", hội đồng UNESCO cho biết. Danh hiệu đến với đảo quốc sư tử sau 5 năm Vườn Bách thảo của quốc gia này được vào danh sách Di sản thế giới.
Trong một bài đăng trên Facebook, thủ tướng Lý Hiển Long gửi lời cảm ơn đến những người đã "làm việc rất chăm chỉ" để giúp Văn hóa bán hàng rong của quốc gia được vinh danh. Lời cảm ơn lớn nhất của ông là gửi tới thế hệ những người bán hàng rong đã "nuôi dưỡng dạ dày và tinh thần một quốc gia". Theo ông, sự công nhận của UNESCO sẽ không đến nếu không có mồ hôi, công sức, sự cống hiến hết mình cho nghề nghiệp của những người bán hàng này. Người đứng đầu đất nước cũng kêu gọi người dân ăn mừng bằng cách đặt các món ăn mà mình yêu thích từ những người bán hàng rong.
Văn hóa bán hàng rong là một phần không thể thiếu rong lối sống của người Singapore. Nó mang lại bản sắc, tính kết nối liên tục cho mọi người qua các thế hệ. Edwin Tong, Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, ca ngợi đây là một "thành tựu quan trọng" vì văn hóa bán hàng rong của Singapore "thể hiện mạnh mẽ về việc chúng ta là ai".
"Nếu bạn bước vào trung tâm bán hàng rong nào, bạn đều thấy các quầy hàng khác nhau với các món ăn khác nhau, những người bán hàng khác nhau. Người ăn đến từ các quốc gia, tầng lớp xã hội và tất cả đều ngồi cạnh nhau, kề vai sát cánh".
Low Teck Senqg, chủ quầy bán đậu nành, nói rằng danh hiệu này sẽ thu hút khách du lịch đến các trung tâm bán hàng rong khi ngành du lịch phục hồi sau Covid-19.
Anh Minh (Theo SCMP)