Ukraine đang ở trong tình trạng bạo loạn, sau một tuần lễ đẫm máu nhất trong hàng thập kỷ. Đỉnh điểm của những ngày đụng độ chết người giữa phe biểu tình chống chính phủ và cảnh sát là việc quốc hội Ukraine bỏ phiếu phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych.
Dù Yanukovych chỉ trích hành động là một cuộc đảo chính, thủ đô Kiev và dinh tổng thống đang nằm ngoài tầm tay ông. Trong ba tháng, những người biểu tình đối đầu với chính quyền, lúc tặm lắng, lúc gay gắt. Hôm 18/2, bạo lực leo thang nghiêm trọng khi cảnh sát bị bắn. Cảnh sát chống bạo động buộc phải vào cuộc nhằm dẹp trại biểu tình hòa bình ở Quảng trường Độc lập.
Nguyên nhân biểu tình
Những cuộc biểu tình nổ ra sau khi chính phủ của Tổng thống Yanukovych gác lại một hiệp định với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 11/2013, thay vào đó thúc đẩy quan hệ với Nga. Hàng nghìn người giận dữ vì nguyện vọng gia nhập vào EU bỗng chốc bị đập tan. Họ đổ ra trung tâm Kiev biểu tình hòa bình và bắt đầu chiếm Quảng trường Độc lập kể từ đó.
Lớn hơn vấn đề EU, nhiều người muốn rũ bỏ vị tổng thống mà họ tin là cố bám víu lấy quyền lực, phục vụ lợi ích của nhóm thân cận của riêng ông và đồng minh.
Những cuộc biểu tình mạnh mẽ nhất diễn ra ở khu vực Kiev và phía tây Ukraine, nơi có quan hệ thân thuộc với châu Âu. Những cuộc biểu tình cũng diễn ra tại phía đông Ukraine.
Liệu Ukraine có chia làm hai?
Người Ukraine nói tiếng Nga ở cả phía đông và phía nam, nhưng tại một số nơi, như bán đảo Crimea, nó lại là ngôn ngữ chính. Điều này chủ yếu là do lượng lớn người nhập cư từ Nga trong thời Xô Viết. Tại những vùng ở cực tây, nơi Ba Lan và Áo từng thống trị trong hàng trăm năm, cư dân nói tiếng Ukraine, có xu hướng dân tộc chủ nghĩa và đồng nhất với Trung Âu.
Bản đồ trên cho thấy những vùng có tỷ lệ lớn người nói tiếng Nga gần như trùng khớp với những vùng đông người bầu cho ông Yanukovych năm 2010. Một số nhà bình luận gợi ý rằng điều này cho thấy Ukraine có khả năng bị chia cắt quyết liệt. Nhưng nhiều người cũng nói điều này nhiều khả năng không xảy ra, và rằng nhiều người ở phía đông vẫn coi họ là người Ukraine, kể cả khi họ nói tiếng Nga.
Những quyền lợi
Ukraine dường như vướng vào một "trò chơi lớn" thời hiện đại. Tổng thống Vladimir Putin muốn Nga thành một đối tác kinh tế toàn cầu, đối trọng với Trung Quốc, Mỹ và EU. Để đạt được mục đích đó, ông đang tạo ra liên minh thuế quan với các nước khác, và coi Ukraine là một nhân tố thiết yếu và tự nhiên trong đó, chủ yếu bởi mối quan hệ lịch sử và văn hóa sâu sắc giữa hai nước.
EU nói việc hợp nhất và cuối cùng là tư cách thành viên có thể đáng giá hàng tỷ euro đối với Ukraine, giúp nước này hiện đại hóa nền kinh tế và tiếp cận với thị trường chung. Liên minh này cũng muốn ngăn chặn những điều mà họ cho là những sự vi phạm dân chủ và nhân quyền ở Ukraine.
Nhiều người Ukraine ở phía đông làm trong các ngành công nghiệp nặng, cung cấp sản phẩm cho thị trường Nga, lo ngại sẽ mất việc nếu Kiev gia nhập EU. Nhưng nhiều người ở phía tây muốn thịnh vượng và các quy định luật pháp mà họ tin rằng EU sẽ đem đến. Họ chỉ ra rằng dù Ukraine có giá trị tổng sản phẩm quốc nội GDP lớn hơn Ba Lan vào năm 1990, nền kinh tế Ba Lan lúc này có quy mô gần gấp ba Ukraine.
Vai trò của Nga tại Ukraine
Nga rõ ràng có ảnh hưởng lớn đối với ông Yanukovych. Moscow từng ủng hộ ông trong cuộc Cách mạng Cam năm 2004, khi cuộc bầu cử của ông bị phán quyết là gian lận.
Đối với nhiều nhà quan sát, Nga đang sử dụng cách tiếp cận cây gậy và củ cà rốt đối với Ukraine. Moscow đình chỉ khoản vay khi chính phủ Ukraine lục đục và hạn chế thương mại khi Ukraine có vẻ như đang thương lượng với EU. EU gọi đây là một sự gây sức ép kinh tế "không thể chấp nhận được". Nhưng Nga cũng cáo buộc EU làm điều tương tự, khi sử dụng thương mại tự do như một thứ cám dỗ.
Những ông trùm giàu có ở Ukraine được cho là có ảnh hưởng chính trị ở hậu trường. Người giàu nhất, Rinat Akhmetov, có những phát biểu mạnh mẽ, ủng hộ quyền con người trong việc biểu tình hòa bình. Nhưng một số ông trùm cũng có thể đang ủng hộ Yanukovych và một nhóm mới tập trung quanh gia đình của ông.
Trọng Giáp (theo BBC)