"Lực lượng phòng thủ bờ biển đã được tăng cường sức mạnh bằng hệ thống tên lửa diệt hạm Harpoon cực kỳ hiệu quả. Cùng với tên lửa nội địa Neptune, chúng buộc hạm đội đối phương giữ khoảng cách xa để tránh chịu chung số phận với soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksi Reznikov viết trên mạng xã hội Facebook hôm 9/6.
Quan chức Ukraine không cho biết chi tiết về hệ thống Harpoon được nước này sử dụng. "Bộ đôi Harpoon - Neptune sẽ giúp Ukraine giải phóng và bảo đảm an toàn cho Biển Đen", ông Reznikov cho hay.
Nga chưa bình luận về thông tin này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 23/5 thông báo Đan Mạch sẽ chuyển một hệ thống Harpoon cho Ukraine, song không nêu rõ biến thể. Bộ trưởng Reznikov cuối tháng 5 thông báo Kiev đã tiếp nhận tổ hợp Harpoon và đang huấn luyện binh sĩ vận hành.
Harpoon là tên lửa hành trình có khả năng bay bám sát mặt biển để tấn công các tàu hoạt động xa bờ với khoảng cách 130-300 km tùy biến thể. Harpoon thường được phóng từ chiến hạm hoặc máy bay, song Đan Mạch đang vận hành bệ phóng mặt đất để bảo vệ đường bờ biển.
Quân đội Đan Mạch đang biên chế biến thể RGM-84L-4 Harpoon Block II, có khả năng tấn công chiến hạm trên biển cũng như các mục tiêu trong cảng và đất liền. Nước này cũng từng vận hành biến thể RGM-84A Block I với tính năng kém hơn và đưa vào niêm cất hồi năm 2003.
Các tổ hợp Harpoon được đánh giá sẽ bổ sung thêm lớp bảo vệ cho thành phố cảng Odessa ven Biển Đen của Ukraine, địa điểm được cho là có thể bị Nga tiến công từ hướng biển. Ngoài ra, Ukraine có thể dùng tên lửa Harpoon để tập kích cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea, nơi một số chiến hạm thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga neo đậu.
Tên lửa chống hạm phóng từ đất liền được coi là mối đe dọa không nhỏ với tàu chiến Nga trên Biển Đen. Quân đội Ukraine tuyên bố hai tên lửa Neptune của nước này đã bắn trúng tàu tuần dương Moskva, khiến nó bị chìm ngoài khơi thành phố Odessa hồi giữa tháng 4. Trong khi đó, quân đội Nga nói rằng một đám cháy đã làm nổ kho đạn trên tàu Moskva.
Lực lượng thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga thường hoạt động gần bờ biển ở bán đảo Crimea để hiệp đồng với lực lượng phòng không mặt đất, cũng như lợi dụng địa hình, địa vật để khiến đầu dò radar trên tên lửa diệt hạm đối phương khó bám bắt mục tiêu. Đây được xem là biện pháp nhằm đối phó với các loại tên lửa diệt hạm được Ukraine biên chế.
Vũ Anh (Theo RT)