Bộ Quốc phòng Anh hồi giữa tuần đăng video mới giải mật về cuộc thử nghiệm pháo laser "Lửa Rồng" hồi giữa tháng 1 của quân đội nước này. Trong video, chùm tia laser cường độ cao được chiếu vào thiết bị bay không người lái (drone) trên bầu trời, khiến nó phát nổ gần như ngay lập tức.
"Bộ Quốc phòng Anh vừa công bố video về cuộc thử nghiệm vũ khí laser 'Lửa Rồng'. Cơ quan này nói mẫu vũ khí tiên tiến trên có thể 'thay đổi cơ bản cục diện chiến trường'", Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, viết trên mạng xã hội X. "Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và thử nghiệm hoạt động của tổ hợp laser này trong điều kiện thực chiến".
Nghị sĩ Ukraine Oleksiy Goncharenko ngày 14/3 xác nhận Kiev muốn được London chuyển giao pháo laser "Lửa Rồng". "Chúng tôi sẵn sàng thử nghiệm nó ở Ukraine", ông nói.
Bộ Quốc phòng Anh chưa bình luận về thông tin. Theo Newsweek, pháo laser "Lửa Rồng" vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển và Anh chưa có ý định triển khai tổ hợp này ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Anh trước đó cho biết "Lửa Rồng" có khả năng khai hỏa với độ chính xác cao, đủ sức bắn trúng đồng xu ở khoảng cách một km. Cơ quan này không tiết lộ tầm bắn của khí tài, song khẳng định nó có thể "tấn công bất kỳ mục tiêu nào trong tầm nhìn".
Các loại vũ khí laser như "Lửa Rồng" được coi là giải pháp hiệu quả và có chi phí thấp để bắn hạ những mục tiêu như drone, loại vũ khí đang được sử dụng phổ biến tại chiến trường Ukraine.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết mỗi phát bắn của "Lửa Rồng" có chi phí khoảng 13 USD, trong khi tên lửa của các hệ thống phòng không mà Ukraine thường dùng để bắn hạ drone có giá tới hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD mỗi quả.
Giới chức Kiev nhiều lần tuyên bố nước này sắp cạn tên lửa phòng không để liên tục phải đối phó với các đòn tập kích từ xa của máy bay không người lái Nga. Các nguồn tin Ukraine cho biết Kiev đang rất cần được bổ sung các phương pháp giá rẻ để đối phó với chiến thuật này.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cũng nhấn mạnh "Lửa Rồng" có tiềm năng "cách mạng hóa" phương thức chiến đấu trong tương lai, giúp giảm phụ thuộc vào các loại đạn đắt và hạn chế thiệt hại ngoài dự kiến.
Dù vậy, giới chuyên gia lưu ý rằng hiệu quả thực chiến của các khí tài như "Lửa Rồng" vẫn chưa được kiểm chứng và chúng có một số nhược điểm.
Sương mù, mưa và khói trên chiến trường có thể làm phân tán chùm tia laser và giảm sát thương lên mục tiêu. Vũ khí laser cũng tỏa ra nhiều nhiệt lượng khi khai hỏa nên cần được tích hệ thống làm mát kích cỡ lớn, hạn chế tính cơ động của tổ hợp.
Các hệ thống laser di động, như loại gắn trên tàu chiến hay máy bay, sẽ cần được sạc ắc quy thường xuyên. Chùm tia laser cũng cần phải khóa mục tiêu trong vài giây mới có thể phá hủy nó, điều không dễ thực hiện với các vật thể có tốc độ bay nhanh.
Anh là một trong các nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất sau khi chiến sự với Nga bùng phát. Nước này đã cam kết viện trợ tổng cộng 15 tỷ USD cho Kiev từ đầu xung đột, bao gồm hơn 9 tỷ USD viện trợ quân sự. Anh cũng đã chuyển giao cho Ukraine nhiều loại khí tài hiện đại, trong đó có tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow.
Phạm Giang (Theo Newsweek, CNN, Conversation)