Ukraine hôm 16/8 công bố video xuồng không người lái "Sea Baby" do nước này sản xuất mang theo đầu đạn nặng 850 kg tấn công cầu Crimea, nối liền lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea vào ngày 17/7. Hai người thiệt mạng và một phần cấu trúc bị hư hại.
"Sử dụng xuồng không người lái, chúng tôi tiến hành vụ tấn công thành công cầu Crimea, cũng như các cuộc tấn công gần đây hơn vào tàu chiến và tàu dầu của Nga", Vasyl Malyuk, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), cho hay.
Ukraine ít khi lên tiếng nhận trách nhiệm các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng Nga ở bán đảo Crimea hay trong nước Nga. Tuy nhiên, người đứng đầu SBU lần này dường như muốn cảnh báo về mối đe dọa hàng hải với đối thủ Nga.
"Chúng tôi đang tiến hành một số chiến dịch mới đáng chú ý, gồm cả ở Biển Đen. Tôi cam kết chúng sẽ rất thú vị, đặc biệt với kẻ thù của chúng tôi", Malyuk nói.
Cầu Crimea, hay còn gọi là cầu Kerch, kết nối lục địa Nga với bán đảo mà Moskva sáp nhập vào năm 2014. Vị trí chiến lược đã khiến nó trở thành mục tiêu tấn công kể từ khi xung đột nổ ra. Hồi tháng 10 năm ngoái, vụ nổ lớn trên cầu Crimea làm sập hai nhịp và khiến 5 người thiệt mạng. Nga khi đó cáo buộc đặc nhiệm Ukraine "tấn công khủng bố", dù Kiev không thừa nhận.
Sergei Aksyonov, người đứng đầu Crimea do Nga bổ nhiệm, tuần trước cho biết hai tên lửa của Ukraine đã bị bắn hạ trên eo biển Kerch. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc lực lượng Ukraine đã cố tấn công cầu. Phía Ukraine không bình luận về cuộc tấn công.
Giới quan sát cho rằng mục tiêu của Ukraine khi nhắm vào cầu Kerch là làm suy yếu vị thế của Nga trên bán đảo và cản trở Moskva tiếp tế cho lực lượng Nga ở miền nam Ukraine.
Sau khi đưa quân vào Ukraine cuối tháng 2/2022, Moskva đã thiết lập và sử dụng hành lang bộ nối lục địa Nga với các vùng lãnh thổ mới sáp nhập gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia như tuyến hậu cần quan trọng. Tuy nhiên, pháo tầm xa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine vào năm ngoái đã đưa phần lớn khu vực đó vào tầm bắn, buộc Moskva phải phụ thuộc nhiều hơn vào cầu bắc qua eo biển Kerch.
Là tuyến đường bộ và đường sắt duy nhất từ Nga đến bán đảo Crimea, cầu Kerch giúp Nga đưa lực lượng, khí tài, xăng dầu, đạn dược phục vụ mũi tấn công vào Kherson và khu vực miền nam Ukraine.
Với hy vọng mờ dần về bước đột phá ở tiền tuyến, tấn công vào khu vực bán đảo Crimea bằng tên lửa tầm xa do phương Tây hỗ trợ có thể là lựa chọn của Ukraine, theo Anastasiia Malenko và Isabel Coles, hai nhà phân tích của WSJ.
"Khi không thể đạt tiến bộ trên tiền tuyến, tầm quan trọng của cuộc tấn công như này sẽ tăng lên. Khiến mọi thứ trở nên phức tạp và kéo dài thời gian đều có lợi cho chúng tôi", Mykola Bielieskov, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Kiev, tổ chức do chính phủ Ukraine hỗ trợ, cho hay.
Lực lượng Ukraine đã giành lại khoảng 250 km2 lãnh thổ kể từ khi phát động cuộc phản công hồi đầu tháng 6. Tuy nhiên, đà tiến công đã bị cản trở bởi những bãi mìn dày đặc, tuyến phòng thủ nhiều lớp và sức mạnh không quân của Nga.
Không chỉ muốn cản trở tuyến đường từ lãnh thổ Nga vào Crimea, Kiev cũng nhắm đến tuyến từ Crimea vào khu vực Nga kiểm soát ở nam Ukraine. Hồi đầu tháng, Ukraine đã phóng loạt tên lửa tầm xa vào cầu Chonhar, con đường trực tiếp nhất nối trung tâm hậu cần của Crimea ở Dzhankoi với tiền tuyến ở Zaporizhzhia.
Một cuộc tấn công hồi tháng 6 vào cầu Chonhar đã khiến nó tạm thời đóng cửa và các đoàn xe hậu cần của Nga phải tốn thêm nhiều thời gian để tiếp cận tiền tuyến thông qua các tuyến đường thay thế, theo Bộ Quốc phòng Anh. Trong vòng 24 giờ sau cuộc tấn công đó, giới chức Nga đã phải dựng cầu phao thay thế.
Con đường thay thế gần thị trấn Armyansk ở bán đảo Crimea dài hơn khoảng 120 km, đồng nghĩa các đoàn xe quân sự Nga sẽ mất thêm 3 tiếng để tới được tiền tuyến, theo Oleksiy Melnyk, đồng giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế và Đối ngoại tại Trung tâm Razumkov ở Kiev.
"Hậu cần không chỉ là vấn đề số lượng mà còn là tốc độ", ông nói.
Các tuyến đường thay thế cũng gần với vị trí của Ukraine ở bờ tây sông Dnieper và nằm trong tầm khai hỏa của pháo binh. Rủi ro có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng đường làng nhỏ hơn ở phía đông bắc, nhưng nó mất thời gian di chuyển hơn và đòi hỏi hỗ trợ hậu cần phức tạp hơn.
Đại úy Anatoliy Kharchenko, chỉ huy đội trinh sát ở đông nam Ukraine, nói rằng các cuộc tập kích của Ukraine gần đây tạo ra những thay đổi ở tiền tuyến. Thách thức về hậu cần đã làm suy giảm lợi thế pháo binh của Nga ở mặt trận phía nam.
Trent Telenko, cựu quan chức Lầu Năm Góc, đánh giá các cuộc tập kích của Ukraine gây áp lực cho đường tiếp tế nhiên liệu Nga. Ông nói phà đường sắt và xà lan của Moskva là những mục tiêu có giá trị đối với Kiev.
"Hậu cần là mọi thứ, từ bánh mì tới xe tăng", Melnyk nói, viện dẫn lời của chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ trong Thế chiến I John J. Pershing. "Binh lính quyết định chiến thắng trong từng trận đấu, còn hậu cần quyết định chiến thắng trong cả cuộc chiến".
Thanh Tâm (Theo WSJ, Guardian)