Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 20/9 tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine để tập trung xây dựng nền quốc phòng trong nước. Ông đưa ra phát biểu khi được hỏi liệu Warsaw có duy trì ủng hộ Kiev giữa lúc hai nước căng thẳng vì vấn đề xuất khẩu nông sản hay không.
Bộ Ngoại giao Ba Lan trước đó triệu đại sứ Ukraine Vasyl Zvarych để phản đối phát biểu của Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng việc các "yếu tố chính trị" liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Kiev chỉ mang lại lợi ích cho Nga.
Ba Lan cuối tuần qua cho biết sẽ không tuân thủ quyết định của Liên minh châu Âu (EU) về việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với nhập khẩu nông sản Ukraine. Warsaw cho rằng lệnh cấm là cần thiết để bảo vệ nông dân Ba Lan, những người phàn nàn rằng ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine đã làm suy yếu thị trường của họ.
Không lâu sau đó, cả Hungary và Slovakia cũng tiếp bước Ba Lan.
Đại diện Thương mại Ukraine Taras Kachka hôm 18/9 cho rằng các biện pháp của Ba Lan sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hàng xuất khẩu của nước này. Ông đồng thời cảnh báo Ukraine có thể thể áp đặt biện pháp tương ứng, như cấm nhập khẩu trái cây, rau quả từ Ba Lan nếu Warsaw không dỡ bỏ lệnh cấm bổ sung.
Ukraine cùng ngày khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì hành động của Ba Lan, Hungary và Slovakia.
Theo giới quan sát, những bình luận gay gắt của Ukraine nhằm vào Ba Lan cũng như tranh cãi về lệnh cấm nông sản đang khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Mặt khác, Kiev cũng có nguy cơ bị phản đòn vì cách phản ứng của mình.
Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất và là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính cho Kiev trong cuộc xung đột với Moskva. Phần lớn vũ khí mà Mỹ và các nước khác gửi tới Ukraine đều đi qua Ba Lan, quốc gia giáp Ukraine ở phía tây. Ba Lan cũng tiếp đón và hỗ trợ hơn một triệu người tị nạn Ukraine.
Gây mất lòng Warsaw, Kiev hoàn toàn có thể đánh mất một nguồn viện trợ quan trọng ở thời điểm đặc biệt nhạy cảm, khi chiến dịch phản công của Ukraine đang đình trệ và họ cần hỗ trợ từ quốc tế hơn bao giờ hết.
Bên cạnh tuyên bố ngừng cấp vũ khí cho Ukraine, chính phủ Ba Lan hồi đầu tuần còn nói rằng họ có thể sẽ không mở rộng hỗ trợ cho người tị nạn vào năm tới.
Mặt khác, chuyên gia nhận định chọc giận Ba Lan cũng có thể đẩy Ukraine vào thế khó khi nước này đang cố gắng vận động để trở thành thành viên EU.
Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, nhiều lãnh đạo của EU đã lên tiếng ủng hộ việc kết nạp thêm Kiev. Tuy nhiên, theo thời gian, EU cũng nhận ra rằng việc hỗ trợ một quốc gia hơn 40 triệu dân bị xung đột tàn phá đồng nghĩa bản thân họ sẽ phải thay đổi.
Việc chấp nhận Ukraine vào thị trường EU sẽ khiến khối phải xem xét lại Chính sách Nông nghiệp Chung. Sau đó, có những câu hỏi lớn hơn về chi phí tái thiết, viện trợ khu vực và yêu cầu cải cách các quy trình nội bộ của EU.
Trong tất cả những cuộc tranh luận này, các quốc gia thành viên hiện tại của EU đều có nguy cơ hứng chịu những tổn thất nhất định về chính trị và kinh tế khi ủng hộ Ukraine. "Ngũ cốc là bài kiểm tra đầu tiên", một quan chức EU nói.
"Căng thẳng đang thực sự bùng lên giữa Ukraine và các nước láng giềng EU gần gũi của họ: Ba Lan, Hungary và Slovakia, cũng như Romania", nhà phân tích địa chính trị Nikola Mirkovic ở Paris, Pháp, nhận xét. "Cuộc tranh cãi khó chịu này có thể nhanh chóng leo thang ngoài tầm kiểm soát".
Mirkovic tin rằng cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ở Ba Lan là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới cách phản ứng của nước này, bởi chúng khiến Warsaw không còn nhiều lựa chọn và phải thể hiện lập trường cứng rắn để bảo vệ nông dân trong nước.
"Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Mateusz Morawiecki cần lá phiếu từ nông dân để duy trì quyền lực trong các cuộc bầu cử sắp tới. Vì vậy, Ba Lan chắc chắn sẽ không chấp nhận tối hậu thư của Ukraine và thậm chí còn có khả năng ngăn chặn việc Ukraine gia nhập EU", ông giải thích. "Sự hào phóng của người Ba Lan sắp chấm dứt".
Giới phân tích nhận định cuộc tranh cãi còn cho thấy một bất đồng tương đối nhỏ cũng có phát triển thành thứ gì đó nghiêm trọng hơn. Thời điểm xảy ra tranh cãi cũng là một đòn giáng đối với Ukraine, khi nó bùng lên giữa lúc Tổng thống Volodymyr Zelensky đang ở New York để vận động ủng hộ toàn cầu dành cho Ukraine.
"Căng thẳng và bất đồng giữa Ukraine và một số quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất chắc chắn sẽ tạo thêm niềm tin cho Điện Kremlin rằng hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine khó có thể ổn định về lâu dài", Peter Schroeder, cựu chuyên gia phân tích về Nga tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, bình luận.
Vũ Hoàng (Theo Telegraph, Washington Post, Politico, Sputnik)