Trong cuộc gặp hồi tháng 2 bên lề Hội nghị An ninh Munich, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris nói với Tổng thống Volodymyr Zelensky điều ông không muốn nghe, rằng Ukraine cần kiềm chế tấn công các nhà máy lọc dầu trên lãnh thổ Nga. Giới chức Mỹ cho rằng hành động này sẽ làm giá năng lượng toàn cầu tăng và khiến Nga đáp trả Ukraine mạnh tay hơn.
Theo các quan chức Mỹ giấu tên, đề nghị của bà Harris khiến ông Zelensky và nhóm trợ lý cấp cao khó chịu. Họ cho rằng những trận tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào hạ tầng năng lượng Nga là điểm sáng hiếm hoi trong xung đột khốc liệt, khi Ukraine phải đối mặt với đối phương có lực lượng và hỏa lực áp đảo.
Ông Zelensky đã không chú ý đến khuyến nghị của bà Harris vì không chắc nó có phản ánh quan điểm đồng thuận của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hay không. Tuy nhiên, giới chức Mỹ những tuần tiếp theo nhắc lại cảnh báo khi thảo luận với Ukraine, kể cả trong chuyến thăm Ukraine hồi tháng 3 của cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.
Nhưng thay vì chấp nhận đề nghị của Mỹ, Ukraine tăng cường các đợt tập kích loạt cơ sở dầu khí của Nga, trong đó có đòn đánh hôm 2/4 nhằm vào nhà máy lọc dầu Taneko lớn thứ ba của Nga, nằm cách biên giới hơn 1.000 km.
Đòn tập kích được cho là đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong quan hệ Ukraine - Mỹ, trong lúc Kiev chờ đợi Washington thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD vốn bị đình trệ trong nhiều tháng. Loạt vụ tập kích tầm xa của Ukraine nhằm vào hơn chục cơ sở dầu khí Nga từ tháng 1 đã làm sụt giảm 10% tổng công suất lọc dầu của nước này.
Những người bảo vệ chiến lược tập kích cơ sở dầu khí Nga của Ukraine cho rằng Nhà Trắng đang ưu tiên chính trị trong nước hơn là mục tiêu quân sự do Ukraine đề ra. "Dường như chính quyền Biden không muốn giá xăng tăng trong năm bầu cử", thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton nói trong phiên điều trần của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tuần trước.
Tại phiên điều trần khác, hạ nghị sĩ Austin Scott đặt câu hỏi "tại sao Ukraine không nên tập kích ngành dầu khí và năng lượng của Nga, trong khi Moskva đang làm điều tương tự?".
Cách UAV Ukraine tung đòn sát thương vào huyết mạch dầu khí Nga
Các quan chức Mỹ cho biết nước này có nhiều lý do để khuyến cáo Ukraine không tập kích nhà máy lọc dầu Nga.
Họ thừa nhận duy trì nguồn cung cho thị trường năng lượng toàn cầu để hạ nhiệt lạm phát là ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải duy trì tâm lý ủng hộ Ukraine tại châu Âu.
"Giá năng lượng tăng sẽ gây nguy cơ làm giảm sự ủng hộ của châu Âu cho viện trợ Ukraine", một quan chức Mỹ nhận định.
Theo nhóm quan chức Mỹ, lợi ích quân sự Ukraine thu được từ những trận tập kích cơ sở dầu khí Nga chưa rõ ràng. Bộ trưởng Quốc phòng Austin cho rằng "Ukraine tốt nhất nên theo đuổi các mục tiêu chiến thuật có thể ảnh hưởng trực tiếp đến xung đột hiện tại", thay vì tấn công các cơ sở dầu khí ở xa tiền tuyến.
Mối lo ngại của giới hoạch định quân sự Mỹ là những trận tập kích hạ tầng dầu khí không giảm năng lực tác chiến của quân đội Nga, thậm chí khiến nước này đáp trả mạnh tay hơn nhằm vào lưới điện Ukraine. Loạt trận không kích gần đây của Nga đã khiến Ukraine chịu thiệt hại nặng hơn những gì mà họ gây ra khi tấn công nhà máy lọc dầu đối phương.
"Đòn tập kích bằng UAV không phá hủy toàn bộ nhà máy lọc dầu, thậm chí không phá hủy từng bộ phận riêng lẻ, mà chỉ gây thiệt hại cho chúng", Sergey Vakulenko, chuyên gia thuộc Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định. "Các nhà máy lọc dầu Ust-Luga và Ryazan đều hoạt động trở lại vài tuần sau khi bị tấn công".
Nga gần đây dùng UAV và tên lửa tấn công hạ tầng năng lượng Ukraine, phá hủy gần như hoàn toàn nhà máy nhiệt điện hàng đầu Kiev, làm hư hại nhà máy thủy điện lớn nhất nước này và nhiều cơ sở sản xuất điện khác. Đòn đánh khiến hàng trăm nghìn hộ tiêu dùng mất điện và dấy lên lo ngại chúng sẽ khiến nền kinh tế Ukraine đình trệ.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố chiến dịch nói trên nhằm trả đũa việc Ukraine tập kích nhà máy lọc dầu và hạ tầng khác nằm sâu trong lãnh thổ nước này. Nga từng tấn công hạ tầng công nghiệp của Ukraine, song các quan chức Mỹ cho rằng hoạt động này gây ra tác động hạn chế.
Ukraine hiện rất cần bảo vệ các thành phố trước các đòn tập kích của Nga, làm gia tăng căng thẳng liên quan đến vấn đề phòng không giữa nước này với phương Tây. Tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO ở Brussels, Bỉ tuần trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi phương Tây viện trợ thêm các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo.
"Tôi xin lỗi vì làm hỏng bữa tiệc sinh nhật, nhưng ai có thể tin rằng liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới không thể tìm thấy 7 khẩu đội Patriot để cung cấp cho Ukraine, quốc gia đang chống chọi với các đợt tập kích bằng tên lửa đạn đạo mỗi ngày", ông Kuleba nói với giọng điệu được đánh giá là gay gắt khác thường.
Việc Mỹ phản đối tập kích nhà máy lọc dầu Nga khiến các quan chức Ukraine bất bình. Họ cho rằng đòn đánh này là hành động đáp trả tương xứng khi Nga không ngừng tập kích mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, nhận định chiến thuật đó là cần thiết để buộc đối phương trả giá đắt hơn cho chiến dịch quân sự và củng cố luận điểm "người Nga trên lãnh thổ sẽ không an toàn tới khi chiến sự kết thúc".
Giới chức Ukraine cũng đánh giá việc tập kích nhà máy lọc dầu Nga là phù hợp, do nguồn cung đạn pháo cạn dần, khiến quân đội nước này không thể chống đỡ được những đợt tiến công của đối phương trên tiền tuyến.
Một số người cho rằng lo ngại của Mỹ về giá năng lượng tăng do Ukraine tập kích nhà máy lọc dầu Nga là "vô căn cứ", khi giá dầu tăng gần đây chủ yếu do khối OPEC+ cắt giảm sản lượng và bất ổn liên quan đến chiến sự Israel - Hamas.
Số khác nhận định chính quyền Tổng thống Biden đưa ra thông điệp không nhất quán về đòn tập kích nhà máy lọc dầu Nga, gây nhầm lẫn cho các bên ủng hộ Ukraine tại quốc hội Mỹ và các nước khác.
Khi được hỏi về các vụ tập kích nhằm vào nhà máy lọc dầu Nga hồi đầu tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói chính quyền Tổng thống Biden "không ủng hộ hay giúp đỡ Ukraine tấn công bên ngoài lãnh thổ nước này".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuần trước lại bày tỏ quan điểm ủng hộ Ukraine nhắm mục tiêu vào căn cứ không quân và hạ tầng quân sự trong lãnh thổ Nga hơn là các nhà máy lọc dầu.
Celeste Wallander, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách an ninh quốc tế, cho biết vấn đề khiến chính quyền Tổng thống Biden lo ngại là Ukraine tập kích mục tiêu dân sự, thay vì cơ sở quân sự. Trong khi đó, các nước châu Âu lại bày tỏ quan điểm và thái độ trái ngược với Mỹ.
Khi được hỏi về loạt vụ tập kích nhằm vào nhà máy lọc dầu Nga, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho rằng "Ukraine đang tự vệ". Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng bảo vệ việc Ukraine tấn công hạ tầng năng lượng Nga. "Nga không chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự, thay vào đó họ tấn công khắp Ukraine", ông Cameron nói.
Nguyễn Tiến (Theo WP, AFP, Reuters)