Chủ tịch đảng Đầy tớ của Nhân dân cầm quyền Ukraine kiêm trưởng phái đoàn đàm phán với Nga David Arakhamia hôm 3/12 cho biết Kiev sẵn sàng thảo luận vấn đề đảm bảo an ninh với Nga nếu nước này rút quân, bồi thường thiệt hại, giao nộp tội phạm chiến tranh và tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Khi Nga làm những điều đó, chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và nói về các đảm bảo an ninh", quan chức Ukraine nói.
Phía Nga chưa phản hồi về thông tin.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 3/12 rằng nếu người đồng cấp Nga Vladimir Putin đồng ý đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine, phương Tây nên xem xét cách đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an ninh của Nga.
"Châu Âu cần chuẩn bị cấu trúc an ninh tương lai. Một trong những điểm thiết yếu mà chúng ta phải giải quyết - như Tổng thống Putin luôn nói - là nỗi sợ hãi rằng NATO sẽ đến ngay trước cửa Nga và việc triển khai vũ khí có thể đe dọa Nga", ông Macron nói.
"Đó sẽ là một phần của các chủ đề hướng tới hòa bình, vì vậy chúng ta cần chuẩn bị trước cách chúng ta bảo vệ đồng minh và quốc gia thành viên, cùng với cách đảm bảo an ninh cho Nga vào ngày nước này quay trở lại bàn đàm phán", ông Macron nói thêm.
Nhiều quan chức ở Ukraine và phương Tây phản đối kịch liệt việc nhượng bộ trong đàm phán với ông Putin sau gần 10 tháng chiến sự, đặc biệt trong bối cảnh Ukraine đã đẩy lùi lực lượng Nga khỏi những vùng lãnh thổ rộng lớn trong ba tháng qua. Tuy nhiên, theo Reuters, phát biểu của Tổng thống Pháp cho thấy ông thông cảm với nhu cầu đảm bảo an ninh của Nga.
Hôm 8/2, vài tuần trước khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin nói với ông Macron rằng Nga sẽ tiếp tục chờ phương Tây hồi đáp về ba yêu cầu an ninh chính gồm: không mở rộng NATO, không triển khai tên lửa gần biên giới Nga và và giảm quy mô cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở châu Âu xuống mức năm 1997. Mỹ thời điểm đó nói không thể đồng ý các yêu cầu này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 16/11 cho biết các nước phương Tây đã đưa ra "tín hiệu" rằng ông Putin đang tìm kiếm các cuộc đàm phán trực tiếp với Kiev. Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngay sau đó cho biết Nga vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự vì Ukraine "không sẵn lòng đàm phán".
Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đình trệ từ hồi tháng 3, hai bên đều đổ lỗi cho nhau là nguyên nhân không thể tiếp tục thảo luận. Mỹ và các đồng minh châu Âu trong khi đó khẳng định sẽ hỗ trợ hết mức để Ukraine đạt được lợi thế trong các cuộc đàm phán nếu diễn ra.
Ngọc Ánh (Theo Kyiv Independent, Reuters)