"Tôi thấy các đối tác đang ngày càng mệt mỏi và rệu rã. Họ muốn quên đi xung đột này, nhưng nó đang tiếp diễn khốc liệt", Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko ngày 14/10 cho biết bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Marrakech, Morocco.
Ông Marchenko nói "thay đổi địa chính trị và bối cảnh chính trị nội bộ ở nhiều quốc gia" đang làm suy giảm mong muốn hỗ trợ Ukraine, đề cập tới cuộc bầu cử năm tới ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Điều này khiến Ukraine gặp khó khăn nhiều hơn trong đảm bảo hỗ trợ tài chính.
Bộ trưởng cho biết Ukraine đang phải nỗ lực hơn rất nhiều so với các cuộc họp hồi tháng 4 để thuyết phục đối tác hỗ trợ.
Ukraine cần đảm bảo hỗ trợ tài chính từ phương Tây để bù đắp thâm hụt ngân sách 43 tỷ USD trong năm 2024. Các cuộc đàm phán trong tuần này đã bị lu mờ bởi xung đột Hamas - Israel.
Kiev cần sự giúp đỡ từ bên ngoài cho phần lớn ngân sách năm tới. "Chúng tôi có một số cam kết như khoản 5,4 tỷ USD từ chương trình của IMF. Chúng tôi mong đợi thêm các cam kết từ Nhật Bản, Anh và tất nhiên cần dựa vào các đối tác, đồng minh chính là Mỹ và EU", ông nói.
Trong hơn năm rưỡi qua, Tổng thống Joe Biden đã giữ lập trường vững chắc về viện trợ của Mỹ. Quốc hội Mỹ tới nay đã phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine. Mỹ đã giải ngân gần 80 tỷ USD tính tới tháng 8.
Các tổ chức EU tính tới tháng 8 đã hỗ trợ hơn 80 tỷ USD cho Ukraine. EU đang cân nhắc gói hỗ trợ trị giá hơn 52 tỷ USD cho Ukraine giai đoạn 2024-2027. Ông Marchenko nói Ukraine hy vọng nhận gần 19 tỷ USD trong số đó vào năm 2024.
Bộ trưởng Ukraine cũng hoan nghênh những nỗ lực khai thác tài khoản đóng băng của Nga để hỗ trợ Kiev.
Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến vào cuối tháng 2/2022, hầu hết các chủ nợ đã gia hạn nghĩa vụ trả nợ cho Kiev tới năm 2027 và Ukraine đồng ý đóng băng 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong hai năm.
Ông Marchenko trong cuộc họp đầu tuần này lạc quan rằng nền kinh tế Ukraine sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2024 và việc dự trữ khí đốt đủ cho mùa đông sẽ giúp nền kinh tế tránh được nguy cơ các mặt hàng bị tăng giá.
Thanh Tâm (Theo Reuters)