Theo thỏa thuận được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ký tại Điện Elysee ở Paris ngày 16/2, Pháp cam kết cung cấp cho Ukraine tối đa3,2 tỷ USD viện trợ trong năm 2024, sau khi đã chi lần lượt gần 2,3 tỷ USD và hơn 1,8 tỷ USD trong hai năm gần nhất. Thỏa thuận sẽ kéo dài 10 năm, một trong những trọng tâm là tăng cường hợp tác trên lĩnh vực pháo binh.
Các quan chức cho biết mục tiêu của hiệp ước an ninh là giúp Ukraine "tái lập toàn vẹn lãnh thổ trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận" và ngăn chặn các hành động "gây hấn mới" của Nga. Thỏa thuận này cũng sẽ mở đường để Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tương lai.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Zelensky ký hiệp ước an ninh tương tự với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin, trong đó Đức cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine và kiềm chế Nga bằng các biện pháp trừng phạt cũng như kiểm soát xuất khẩu, đảm bảo rằng tài sản của Nga vẫn bị phong tỏa.
Berlin cũng đã chuẩn bị một gói hỗ trợ tức thời trị giá 1,22 tỷ USD, tập trung vào phòng không và pháo binh. Thủ tướng Scholz đánh giá việc ký kết thỏa thuận là "một bước đi lịch sử", cho thấy cam kết rõ ràng của Đức về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Ông Zelensky dự kiến đưa ra thêm lời kêu gọi viện trợ về tài chính và quân sự mới khi quay lại Đức để tham dự Hội nghị An ninh Munich hôm nay. Nhiều nhà lãnh đạo sẽ tham dự sự kiện, trong đó có Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Chuyến công du châu Âu của Tổng thống Zelensky diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trên chiến trường, đặc biệt là mặt trận Avdeevka, một phần vì thiếu đạn dược sau khi viện trợ từ phương Tây sụt giảm.
Hiện các nỗ lực viện trợ mới nhất của Mỹ, quốc gia hậu thuẫn Ukraine mạnh mẽ nhất từ đầu xung đột, vẫn mắc kẹt tại quốc hội do bất đồng giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Thượng viện Mỹ ngày 13/2 thông qua gói viện trợ trị giá hơn 95 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có 60 tỷ USD hỗ trợ quân sự và các nhu cầu khác. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, thành viên đảng Cộng hòa, từ chối đưa dự luật này ra bỏ phiếu, với lý do các điều khoản về an ninh biên giới được bổ sung vào dự luật chưa đủ mạnh.
Phạm Giang (Theo AFP)