Các mô hình bằng này được chế tạo bằng gỗ để máy bay không người lái (UAV) Nga không thể phân biệt được với tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) trên thực địa, các quan chức cấp cao Ukraine giấu tên cho biết hôm 30/8.
Một quan chức Ukraine nói rằng khi UAV Nga phát hiện dấu vết của khẩu đội HIMARS, họ sẽ coi đó là mục tiêu hàng đầu. Những UAV này sau đó sẽ truyền tín hiệu vị trí, tọa độ mục tiêu cho các tàu chiến mang tên lửa hành trình ở Biển Đen.
"Các mô hình HIMARS đã thu hút ít nhất 10 tên lửa hành trình Kalibr của Nga sau vài tuần triển khai, điều này thúc đẩy quân đội Ukraine chế tạo nhiều mô hình hơn", quan chức này cho biết.
![Lính Ukraine bên cạnh một xe phóng đạn HIMARS ở miền đông hồi tháng 7. Ảnh: Washington Post.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/08/31/himars-4508-1661931235.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tKD_yF8pbOB9gBChtwrN5g)
Lính Ukraine bên cạnh một xe phóng đạn HIMARS ở miền đông hồi tháng 7. Ảnh: Washington Post.
Đây là lần đầu tiên giới chức Ukraine tiết lộ về sự tồn tại của các mô hình pháo HIMARS, một trong những biện pháp nghi binh giúp Kiev đối phó sự áp đảo về hỏa lực pháo binh và tên lửa của Moskva.
"Việc phá hủy mô hình gỗ có thể là nguyên nhân khiến Nga nhiều lần tuyên bố tiêu diệt những hệ thống HIMARS tại Ukraine", một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên đánh giá.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin này.
Nỗ lực bảo vệ HIMARS của Ukraine cho thấy tầm quan trọng của loại vũ khí này trên chiến trường. Các tổ hợp HIMARS đã liên tục tập kích nhiều mục tiêu quan trọng như kho đạn và tuyến hậu cần Nga, gây cản trở đà tiến quân của Moskva tại khu vực miền đông và niềm nam Ukraine.
Giới phân tích quân sự cho rằng các mô hình HIMARS bằng gỗ có thể mang đến hai lợi thế cho quân đội Ukraine.
Trong những cuộc chiến tiêu hao kéo dài, chúng có khả năng làm suy giảm và cạn kiệt kho đạn pháo, tên lửa dẫn đường đắt tiền của Nga, hạn chế phần nào chênh lệch đáng kể về hỏa lực hạng nặng giữa hai bên. "Mỗi tên lửa Kalibr đánh vào mô hình giả HIMARS sẽ không thể tấn công những mục tiêu thực sự khác", Rob Lee, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại tại Mỹ, nhận xét.
Sự xuất hiện của mô hình HIMARS trên chiến trường cũng buộc lực lượng Nga cẩn trọng hơn và điều chuyển kho đạn, sở chỉ huy ra xa tiền tuyến để tránh nguy cơ bị tập kích.
"Các đợt di chuyển vị trí như vậy sẽ khiến Nga khó tập trung lượng lớn hỏa lực pháo binh tại một khu vực, chiến thuật vốn được họ tận dụng triệt để nhằm tiến quân ở miền đông Ukraine", George Barros, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Washington Post)