"Ukraine đã khởi động hoạt động xuất khẩu lượng điện đáng kể sang lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU). Đây mới chỉ là bước đầu. Chúng tôi đang chuẩn bị tăng nguồn cung", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 30/6 cho hay.
Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Italy và Đức, phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga cho nhu cầu năng lượng trong nước. Tuy nhiên, những nước này buộc phải tìm kiếm giải pháp thay thế khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.
"Một phần đáng kể khí đốt Nga mà người châu Âu tiêu thụ có thể được thay thế. Đó không chỉ là vấn đề về doanh thu xuất khẩu đối với chúng tôi, mà còn là vấn đề an ninh của toàn châu Âu", Tổng thống Zelensky nói thêm.
Nhờ các nhà máy điện hạt nhân, thủy điện và điện tái tạo Ukraine vẫn có thể sản xuất nhiều điện hơn mức tiêu thụ. Nước này ước tính dư thừa 2-3 GW điện để xuất khẩu sang châu Âu.
Lưới điện của Ukraine được kết nối với mạng lưới châu Âu vào giữa tháng 3, giúp Kiev duy trì nguồn cung liên tục cho EU bất chấp chiến sự bùng phát.
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đăng Twitter rằng Ukraine "sẽ cung cấp thêm một nguồn điện cho EU và tạo ra nguồn thu rất cần thiết cho Kiev". "Đôi bên cùng có lợi", bà cho hay.
Để phản đối Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, EU ủng hộ mạnh mẽ Kiev bằng cách cung cấp vũ khí và trao tư cách ứng viên để nước này bắt đầu lộ trình trở thành thành viên của khối.
Sau loạt lệnh trừng phạt EU áp đặt với Moskva, dòng khí đốt tại các đường ống từ Nga tới Tây Âu gần đây giảm mạnh, khiến giá năng lượng tăng cao. Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom giải thích việc lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream bị giảm là do sửa chữa, song giới chức EU tin rằng Moskva thực tế đang muốn biến khí đốt thành vũ khí để "trả đũa" các đồng minh của Ukraine.
Huyền Lê (Theo AFP)