Uday (trái) và Qusay (phải) cùng Saddam Hussein năm 1992. |
"Cái chết của Uday và Qusay là bằng chứng cho thấy quân đội Mỹ đang dần tìm ra địa điểm SaAddam Hussein lẩn trốn. Nó là thông điệp rõ ràng rằng lính Mỹ đang ở đây và sẽ tóm được ông ta", Judith Yaphe, chuyên gia về Iraq tại ĐH Quốc phòng Washington, nói.
Vụ việc không chỉ quan trọng với Washington, mà có thể còn quan trọng hơn với chính người Iraq, những người từng sống dưới sự cai trị của Uday và Qusay. "Cái chết sẽ thúc đẩy những ai căm ghét (chế độ Hussein) mà không dám nói ra. Họ sợ rằng ban lãnh đạo trước đây sẽ quay trở lại", bà Yaphe nhận định.
Stanley Bedlington, nhà phân tích cao cấp đã nghỉ hưu của Trung tâm chống khủng bố thuộc CIA, thì nhận định: "Những thành viên còn lại của đảng Baath và quân đội Iraq cho rằng ông ta (Saddam) sẽ trở lại nắm quyền nên đã tiến hành rất nhiều vụ chống đối, bắn tỉa và phục kích lính Mỹ. Tuy thế, việc Uday và Qusay chết đã loại bỏ khả năng trở lại chính trường của cựu tổng thống Iraq. Đây là một cú đánh vào những ai vẫn ủng hộ chế độ cũ".
Toàn quyền Mỹ tại Iraq Paul Bremer thì cho rằng cái chết hôm 22/7 giúp những người Iraq muốn hợp tác với chính quyền tự tin hơn, và đội quân chiếm đóng hy vọng nhận được nhiều thông tin "chỉ điểm" hơn nữa.
Cái chết của hai con trai Saddam còn giúp giới tình báo Mỹ thoát khỏi sự chỉ trích rằng họ không thể lần ra ban lãnh đạo Baghdad và trùm khủng bố Osama bin Laden. Theo các nguồn tin, điệp viên Mỹ theo dõi 3 cha con cựu tổng thống Iraq đã siết chặt gọng kìm trong những tuần qua.
Thành công này của quân đội Mỹ còn củng cố lập luận của các chỉ huy tại Iraq, vốn cho rằng khôg cần thiết tăng số binh lính, mà tốt hơn là sử dụng thông tin tình báo kết hợp với lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh.
Lính Mỹ bố ráp villa ở Mosul. |
Các nhà phân tích cho rằng cái chết của Uday và Qusay đã có tác động đến toàn khu vực, nơi dư luận bắt đầu ngờ rằng Saddam và chính quyền ông ta dường như đã trở lại. Ông Bedlington nhận xét: "Với Trung Đông, vụ việc là thông điệp cảnh báo rằng những vị lãnh đạo hà khắc sớm muộn sẽ phải ra đi".
Nguyễn Hạnh