Thứ sáu, 6/12/2024
Thứ hai, 21/10/2024, 16:13 (GMT+7)

UAV 'thống trị' triển lãm hàng không lớn nhất Nhật Bản

Hàng loạt máy bay không người lái (UAV) xuất hiện tại Triển lãm Hàng không vũ trụ Quốc tế Nhật Bản, cho thấy sự thống trị của công nghệ này trong lĩnh vực quân sự và dân sự.

Triển lãm Hàng không vũ trụ Quốc tế Nhật Bản 2024 (JA2024) diễn ra ngày 16-19/10 tại trung tâm triển lãm Tokyo Big Sight ở thủ đô Nhật Bản, quy tụ gần 700 công ty từ 23 quốc gia tham dự.

Đây là triển lãm hàng không vũ trụ lớn nhất của Nhật, được tổ chức lần đầu tại căn cứ không quân Iruma ở tỉnh Saitama năm 1966. Sự kiện được nối lại sau 6 năm gián đoạn, có chủ đề "Bay cao vì sự đa dạng, vượt qua bầu trời và tiến vào không gian".

Mô hình thủy phi cơ không người lái Hamadori 3000 của công ty Phòng thí nghiệm Giải trí Không gian Nhật Bản.

Điểm nhấn của triển lãm năm nay là sự xuất hiện của loạt máy bay không người lái (UAV) lưỡng dụng, có thể dùng cho mục đích dân sự hoặc quân sự, đời mới.

Các UAV này có tầm hoạt động, tải trọng và chi phí sản xuất khác nhau, nhiều chiếc được trang bị tính năng tự động hóa và có thể phối hợp với khí tài có người lái.

Mô hình theo tỷ lệ thật của dòng UAV trinh sát ARMDC-20X (trái) và mô hình theo tỷ lệ 1:10 của một dòng UAV chiến đấu chiến thuật, đều của Mitsubishi Heavy Industries.

Đáng chú ý là các dòng UAV tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của hãng Mitsubishi Heavy Industries, Nhật Bản và BAE Systems, Anh. Chúng có khả năng hoạt động cùng với dòng tiêm kích thế hệ thứ 6 mà Nhật Bản, Anh và Italy đang hợp tác chế tạo theo Chương trình Tác chiến Trên không Toàn cầu (GCAP).

Mitsubishi Heavy Industries cũng mang tới triển lãm 4 loại UAV lưỡng dụng với khả năng cất, hạ cánh theo chiều thẳng đứng (VTOL), tất cả đều đang trong quá trình phát triển.

Chúng bao gồm một dòng UAV giám sát dạng trực thăng, UAV chở hàng với tải trọng 200 kg và hai phi cơ đa nhiệm dạng lai, có thể dùng cho cả mục đích giám sát hoặc chở hàng hóa nhẹ. Hai trong số đó đang được Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (GSDF) thử nghiệm đánh giá.

Mô hình UAV PHASA-35 hoạt động bằng năng lượng mặt trời của BAE Systems.

Triển lãm diễn ra trong lúc Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang muốn thay thế các máy bay, trực thăng có người lái đời cũ trong biên chế bằng UAV, khi chứng kiến công nghệ không người lái "thống trị" trong các xung đột hiện nay trên thế giới.

Cơ quan này cũng đã đề xuất khoản ngân sách 103 tỷ yen (687 triệu USD) cho lĩnh vực thiết bị không người lái trong năm sau, trong đó có ba tỷ yen (20 triệu USD) để mua UAV chiến đấu cỡ nhỏ có khả năng tập kích tàu chiến, phi cơ đối phương.

Mô hình thủy phi cơ không người lái triển khai nhanh của công ty ShinMaywa, hãng phát triển dòng thủy phi cơ USDF cho hải quân Nhật Bản.

Trong tài liệu Chương trình Tăng cường Quốc phòng công bố cuối năm 2022, quân đội Nhật Bản liệt kê nhiều yêu cầu về lĩnh vực UAV, như mua sắm những loại có thể thực hiện nhiệm vụ "trinh sát, giám sát, tình báo (ISR) và nhắm mục tiêu một cách liền mạch". Tokyo cũng cân nhắc sử dụng UAV vận tải để tiếp tế cho các đơn vị ở xa.

Mô hình theo tỷ lệ thực của trực thăng đa nhiệm không người lái VSR700 do hãng Airbus phát triển.

Thiết bị không người lái (drone), đặc biệt là các dòng giá rẻ, những năm gần đây được sử dụng ngày càng phổ biến trong xung đột tại Ukraine, Trung Đông và các khu vực khác.

Theo truyền thông Nhật Bản, Tokyo nhận thức rõ được tầm quan trọng của UAV, drone và đang tăng cường vai trò của khí tài này trong quân đội, đặc biệt là với không quân, hải quân. Đây cũng là phương pháp để Nhật Bản đối phó với tình trạng thiếu nhân lực do suy giảm dân số và tuyển quân khó khăn.

"Những loại UAV này sẽ giúp chiến lược, kế hoạch phát triển lực lượng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản và các hoạt động của quân đội trở nên linh hoạt", theo Masashi Murano, chuyên gia về an ninh, quốc phòng Nhật Bản tại Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở ở Mỹ.

Dù vậy, giới quan sát nhận định Tokyo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, như tìm cách cân bằng giữa UAV sản xuất nội địa và nước ngoài, hay đảm bảo năng lực sản xuất có thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Triển lãm cũng đánh dấu lần đầu tiên các nhà sản xuất mang tới sự kiện mô hình tỷ lệ 1:10 của tiêm kích thế hệ thứ 6 thuộc GCAP. Mô hình theo tỷ lệ thật của mẫu phi cơ này đã được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough ở Anh hồi tháng 7.

Dòng tiêm kích trên sẽ thay thế mẫu F-2 của Nhật Bản và mẫu Eurofighter Typhoon trong biên chế không quân Anh và Italy.

Triển lãm cũng trưng bày các hiện vật, sản phẩm khác liên quan lĩnh vực quân sự và hàng không vũ trụ, trong đó có đồ phi hành gia hay mô hình tàu thăm dò Hayabusa 2 của Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).

Mô hình tên lửa không đối không tầm xa Meteor do hãng MBDA phát triển.

Tên lửa có tầm bắn hơn 100 km, vận tốc lớn hơn Mach 4 (4.939 km/h), được trang bị đầu dò radar chủ động, có thể tích hợp trên các dòng tiêm kích Eurofighter Typhoon, Saab, Gripen và Dassault Rafale. Nó được đánh giá là một trong những loại tên lửa đối không hiệu quả nhất thế giới.

Ảnh: Japan Times, AFP, AP, Kyodo News