Thỏa thuận được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 15/9 ký với Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed al-Nahyan và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif Al Zayani trước vài trăm người chứng kiến buổi lễ tại Nhà Trắng. Hai nước này lần lượt trở thành quốc gia Arab thứ ba và thứ tư bình thường hóa quan hệ với Israel, sau khi Israel ký hiệp ước hòa bình với Ai Cập vào năm 1979 và Jordan năm 1994.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người chủ trì buổi lễ, cho biết Arab Saudi cũng sẽ đạt thỏa thuận với Israel "vào thời điểm thích hợp", thêm rằng "ít nhất 5 hoặc 6 quốc gia sẽ rất nhanh chóng" thiết lập thỏa thuận của riêng họ với Israel.
"Chúng tôi có mặt tại đây để thay đổi lịch sử", Trump phát biểu từ ban công Nhà Trắng, gọi các thỏa thuận giữa UAE và Bahrain với Israel là "bước đột phá quan trọng giúp người dân thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc chung sống hòa bình, thịnh vượng".
Trump cũng tuyên bố ba quốc gia Trung Đông "sẽ hợp tác với nhau và họ là bạn". Đáp lại, các lãnh đạo Israel, UAE và Bahrain ca ngợi các thỏa thuận cùng vai trò trung gian của Trump.
Việc Israel, UAE và Bahrain xích lại gần nhau dường như phản ánh lo ngại chung về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực, cũng như chương trình tên lửa của nước này.
Iran đã chỉ trích cả hai thỏa thuận. Chính quyền Palestine cũng bày tỏ phản đối, dù giới chức UAE và Bahrain trấn an rằng họ không quay lưng với Palestine.
Các thỏa thuận được cho là chiến thắng ngoại giao của Trump, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn cách chưa đầy hai tháng. Ông chủ Nhà Trắng gần đây hai lần được đề cử giải Nobel Hòa bình, từ các nghị sĩ Na Uy và Thụy Điển, vì nỗ lực hòa giải tại Trung Đông và vùng Balkan. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định còn nhiều khúc mắc trong những thỏa thuận mà Trump làm cầu nối.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)