Nghị sĩ Na Uy Christian Tybring-Gjedde, chủ tịch phái đoàn Na Uy tại Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hôm 9/9 đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump cho giải Nobel Hòa bình năm 2021. Trong thư đề cử gửi Ủy ban Nobel, Tybring-Gjedde cho hay chính quyền Trump đóng vai trò trung gian quan trọng giúp thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa UAE và Israel tháng trước.
Hai ngày sau, nghị sĩ Thụy Điển Magnus Jacobsson tiếp tục đề cử ông chủ Nhà Trắng, cùng chính quyền Kosovo và Serbia, cho giải thưởng danh giá vì những hoạt động chung của họ đối với nền hòa bình và phát triển kinh tế, thông qua thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa hai bên được ký kết tại Nhà Trắng gần đây.
"Ngày nào Donald Trump cũng được đề cử Nobel Hòa bình. Rõ ràng Tổng thống nên được nhận giải thưởng đó", người dẫn chương trình Fox News Laura Ingraham nhận xét. Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cũng gọi đề cử là "niềm vinh dự xứng đáng" dành cho Trump.
Dựa trên những tranh cãi toàn cầu xung quanh Trump, cùng việc Ủy ban Nobel thường ưu tiên các lãnh đạo theo quan điểm tự do, Tổng thống Mỹ được cho là rất khó đoạt giải. Tuy nhiên, các đề cử dành cho Trump dường như giúp làm nổi bật thông điệp kiến tạo hòa bình, nội dung chủ chốt gần đây trong chính sách đối ngoại của Washington, ngay trước thềm cuộc bầu cử tháng 11.
Theo bình luận viên Michael Crowley của NY Times, thông điệp của chính quyền Trump có cơ sở trên thực tế. Một Tổng thống nổi tiếng bốc đồng, từng bị đảng Dân chủ cảnh báo có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân, gần đây đã ngừng đe dọa các đối thủ như Iran và Trung Quốc. Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng nên chấm dứt, thay vì khơi mào xung đột.
Trump tuần này sẽ chủ trì lễ ký kết hai thỏa thuận giúp giảm căng thẳng giữa Israel với UAE và Bahrain. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 12/9 cũng điều phối việc khởi động đàm phán hòa bình tại Afghanistan, hứa hẹn giúp kết thúc 19 năm nội chiến ở nước này. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ đang tiếp tục rút bớt binh sĩ nước này khỏi Afghanistan và Iraq.
Bất chấp nỗ lực của chính quyền Trump, Aaron David Miller, chuyên gia Mỹ từng thuộc nhóm đàm phán hòa bình Trung Đông của các chính quyền trước đây, nhận xét thành tựu của Tổng thống Mỹ nhạt nhòa so với những người từng nhận giải Nobel Hòa bình.
"Khi nhìn vào các chủ nhân của Nobel Hòa bình ở Trung Đông, bạn sẽ thấy những người dốc sức và chấp nhận rủi ro đối với các vấn đề thực sự thách thức. Sadat và Rabin đã đánh đổi mạng sống mới nhận được giải thưởng", Miller đề cập đến cựu tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và cựu thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, những lãnh đạo bị ám sát sau khi tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình quan trọng.
Brian Katulis, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, còn chỉ ra rằng Israel đang không trong trạng thái xung đột thực sự với UAE hay Bahrain, bất chấp Nhà Trắng ca ngợi cú bắt tay giữa họ là những thỏa thuận "lịch sử" của Trung Đông. Katulis cho hay mối quan hệ giữa những nước này đã âm thầm phát triển trong nhiều năm, đồng thời ví Trump như "gà trống nhận công gọi bình minh".
Thỏa thuận hợp tác do Trump làm cầu nối giữa Kosovo và Serbia, hai kẻ thù "không đội trời chung" ở vùng Balkan, được cho là bước đầu tiên tiến tới khả năng chung sống hòa thuận. Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Christopher Hill, người đóng vai trò trung tâm trong Hiệp định Dayton năm 1995 mang lại hòa bình cho Bosnia-Herzegovina, vẫn đánh giá chính quyền Trump "thiếu hành động nghiêm túc" cần thiết để đạt được tiến bộ lâu dài.
Thỏa thuận khúc mắc ở chỗ kêu gọi cả Kosovo và Serbia công nhận Israel và mở đại sứ quán ở Jerusalem. Đổi lại, Israel sẽ công nhận Kosovo, vùng lãnh thổ tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008, nhưng không được Serbia và nhiều quốc gia khác công nhận. Truyền thông Israel đưa tin Serbia đang do dự trước khả năng Israel công nhận Kosovo và sẽ không mở đại sứ quán ở Jerusalem nếu điều đó xảy ra. Viễn cảnh này có nguy cơ khiến toàn bộ thỏa thuận sụp đổ.
Mặc dù vậy, tình hình Balkan được cho là vẫn chưa rắc rối bằng Afghanistan, nơi Trump đang theo đuổi một thỏa thuận hòa bình toàn diện, tạo điều kiện rút toàn bộ lính Mỹ khỏi đây. Bất chấp tiến trình đàm phán đã bắt đầu hôm 12/9, ngay cả những người lạc quan nhất cũng thừa nhận nền hòa bình lâu dài vẫn là một mục tiêu xa vời, trong bối cảnh bạo lực và vô số trở ngại chính trị tại Afghanistan.
Ngoài ra, việc Mỹ tuyên bố rút gần một nửa binh sĩ khỏi Iraq, để lại 3.000 lính tại đây, chỉ giúp quân số nước này ở Iraq giảm xuống mức tương đương hồi năm 2015.
Thêm vào đó, không thể phủ nhận sự tồn tại của những hiềm khích giữa Washington và các nước khác dưới thời Trump, đặc biệt là căng thẳng với Bắc Kinh, đến mức nhiều chuyên gia lo ngại về nguy cơ xung đột quân sự. Cuộc đối đầu đáng lưu ý khác là chiến dịch "gây áp lực tối đa" lên Iran của chính quyền Trump, với những đòn "ăn miếng trả miếng" giữa hai nước, tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng leo thang đột ngột.
Tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, vấn đề mà Trump từng coi là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy ông xứng đáng với giải Nobel Hòa bình, cũng rơi vào bế tắc từ vài tháng trước.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Trump vẫn đề cao nỗ lực của Tổng thống. Ronna McDaniel, chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa, viết trên Twitter rằng Trump "trong tháng qua đã hoàn thành nhiều việc vì hòa bình hơn cả Obama làm suốt 8 năm".
Trump cũng chưa bao giờ giấu mong muốn thắng giải Nobel Hòa bình. Tháng 2/2019, Tổng thống Mỹ cho biết Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng gửi thư đề cử ông lên Ủy ban Nobel vì những nỗ lực hòa giải với Triều Tiên, nói thêm rằng nhiều người khác cũng nhận định giống Abe.
"Tôi có lẽ sẽ không bao giờ được nhận giải. Nhưng điều đó ổn thôi", Trump cho hay.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)