Hôm qua, tôi gặp lại người bạn cấp ba, một cuộc hẹn hiếm hoi sau bao năm chỉ nhắn tin qua lại từ thời Covid-19. Nhìn bạn, tôi chợt giật mình: tiều tụy, già đi trông thấy.
Bạn cười mà nghe sao nặng nề: "Năm sau tụi mình 49 rồi, tự dưng lo lắng."
Tôi cố xua đi nỗi bận tâm của bạn: "48 còn chưa tận hưởng xong, lo gì chuyện năm sau." Nhưng lời trêu chọc ấy cũng không ngăn được sự chú ý của tôi tới mái tóc bạc ngày một nhiều, những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt bạn. Có lẽ, thời gian và những áp lực đã đè nặng lên chúng tôi quá nhiều.
Sau vài câu chuyện xã giao, bạn thả lòng tâm sự: "Cậu sướng hơn, không có con cái nên tuổi già sẽ nhàn hơn, tài chính cũng dư dả hơn." Bạn kể mình đang bị "kẹt giữa", vừa phải lo cha mẹ già, vừa chăm sóc đứa con học cấp ba, sắp vào đại học.
Nhà bạn có bốn anh em, nhưng ông cụ chỉ chịu hợp tính mỗi mình bạn, nên việc vào viện chăm sóc cứ "rơi trúng đầu". Bố ruột vừa xuất viện chưa lâu, bố vợ lại nhập viện. Hai bà mẹ tuy còn khỏe mạnh nhưng tuổi già, ai biết được khi nào sẽ cần chăm sóc?
Bạn bảo: "Đôi khi nghĩ đến tương lai mà thấy bế tắc. Mình cũng có tuổi rồi, còn cơn ‘49, 53’ phía trước, không biết trụ nổi không."
Tôi trấn an bạn, "Chúng tôi không có con, bố mẹ hai bên đều đã mất, nhưng chắc gì sung sướng hơn. Không chỉ tự lo cho bản thân, mà khi già yếu, lú lẫn, có vào viện dưỡng lão cũng chẳng biết gì, đâu có tình thân mà bấu víu".
Câu chuyện của bạn khiến tôi nghĩ mãi. Việt Nam, một trong 15 quốc gia đông dân nhất thế giới, từng tự hào về nguồn lao động trẻ dồi dào. Nhưng giờ đây, chúng ta đang đối mặt với già hóa dân số - một thách thức nghiêm trọng.
Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ sinh đang giảm, và những người thuộc thế hệ U40, U50 hôm nay, đang gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già, liệu sau này ai sẽ chăm sóc họ?
Nghĩ đến viễn cảnh đó, có lẽ chúng ta không thể mãi dựa vào "tình thân" hay người chăm sóc nghiệp dư. Đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc người già gần như vẫn là một khoảng trống lớn.
Các mô hình viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi cần được triển khai ngay, đi kèm với các chương trình đào tạo bài bản cho nhân viên chăm sóc.
Nếu không hành động sớm, chúng ta sẽ không kịp chuẩn bị cho một xã hội đang già đi nhanh chóng.
Khi ấy, mỗi người trong chúng ta sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn của những nỗi lo giống như người bạn cấp ba của tôi hôm qua. Một tương lai văn minh hơn cho người cao tuổi - đó không chỉ là kỳ vọng, mà cần là trách nhiệm ngay từ hôm nay.
Quang Sơn