"Tôi có quan điểm khác với tác giả bài viết Công ty như cái chợ vì sếp dưới 30 tuổi về độ tuổi. Có nhiều ngành nghề đặc thù mà để trở thành lão làng phải mất từ 5 đến 10 năm kinh nghiệm.
Tuy nhiên, tôi thấy trung bình khoảng 5 năm là đã khá sành sỏi trong nhiều lĩnh vực, đủ để đảm nhận vị trí quản lý bộ phận. Việc cho rằng dưới 30 tuổi chưa thể làm quản lý như bài viết trên thì hơi chủ quan.
Theo quan điểm của tôi, đối với một người tốt nghiệp đại học khoảng 22-23 tuổi, sau hai năm làm việc chuyên môn, nếu chưa nắm bắt được hết nội dung công việc thì có thể xem người đó thuộc nhóm năng lực trung bình trở xuống.
Ngược lại, những người chỉ mất hai năm đã nắm vững mọi chi tiết công việc thì thuộc nhóm khá trở lên. Vì thế, khi tuyển dụng thường ưu tiên những ứng viên có từ 2-3 năm kinh nghiệm, nghĩa là họ đã đủ năng lực để hiểu và thực hiện các công việc chi tiết trong lĩnh vực của mình, thường ở độ tuổi khoảng 25-26 tuổi.
Sau đó, những người này thường sẽ tìm kiếm các vị trí công việc thử thách hơn, quy mô lớn hơn để phát triển bản thân. Và sau khoảng hai năm làm việc ở những vị trí mới này (tức là có 5 năm kinh nghiệm), người có năng lực từ khá trở lên, tầm 28-29 tuổi, sẽ đủ điều kiện và năng lực để quản lý bộ phận.
Đối với những người gần 30 tuổi vẫn chỉ dừng ở vị trí nhân viên, thì sau tuổi 30 rất có thể họ sẽ tiếp tục làm nhân viên, vì trong mắt các ông chủ và người tuyển dụng, việc có 5-7 năm kinh nghiệm (khoảng 28-30 tuổi) mà vẫn chưa thăng tiến cho thấy năng lực của họ có thể không cao.
Quản lý người lớn tuổi đúng là khó hơn, nhưng nếu người lớn tuổi không chấp hành yêu cầu công việc thì đã có ông chủ hoặc giám đốc giải quyết. Người lớn tuổi khi đi làm không nên suy nghĩ quá nhiều về tuổi tác, mà nên chú trọng vào vị trí công việc và cách đáp ứng yêu cầu công việc để tạo dựng sự chuyên nghiệp".
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết về chuyện làm sếp tuổi 30 của qua email: bandoc@vnexpress.nethoặc ấn vào box bên dưới.
Thành Đô tổng hợp