George Soros khẳng định: "Cục diện châu Âu bây giờ phụ thuộc vào thái độ của nước Đức". Ảnh minh họa: Theblaze |
Chuyên gia tài chính quốc tế George Soros đã lên tiếng kêu gọi nước Đức "đứng lên để dẫn dắt châu Âu hoặc rời bỏ khối đồng tiền chung EU" trong một cuộc phỏng vấn với trang Financial Times mới đây. Ông Soros cho rằng các quốc gia trong khu vực nên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5%. Điều này buộc EU phải từ bỏ các kế hoạch khắc khổ do Đức "đỡ lưng" và chấp nhận tỷ lệ lạm phát cao hơn.
George Soros khẳng định nếu các thành viên của châu Âu không thể phát triển bền vững cùng nhau, thì tốt hơn nên tách rời. Vấn đề là ai sẽ rời đi. Soros ủng hộ sự ra đi của Đức, thay vì Hy Lạp và các nền kinh tế yếu hơn hiện nay. "Đức rời liên minh sẽ gây đổ vỡ nhưng vẫn trong tầm quản lý, chứ không tạo ra một khối hỗn độn kéo theo hiệu hứng domino như khi các quốc gia vay nợ lần lượt bị buộc rời khỏi EU do đầu cơ và thoái vốn", Soros nói.
Ông cho rằng nước Đức có thể mạo hiểm đặt vận mệnh vào phần còn lại của châu Âu trong cảnh "năm ăn năm thua", hoặc rời bỏ liên minh bởi "nếu Đức ra đi, vấn đề của toàn khu vực sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn". George Soros từng lên tiếng chỉ trích cách kiểm soát khủng hoảng của Đức từ năm 2010. "Cục diện châu Âu bây giờ phụ thuộc vào thái độ của nước Đức", ông khẳng định.
Trong một động thái khác tuần này, Tòa án Hiến pháp của Đức sẽ quyết định kế hoạch ủng hộ quỹ hỗ trợ tài chính ESM mới là hợp pháp hay không. Những thách thức pháp lý còn tồn tại đã khiến khoản hỗ trợ trị giá 700 tỷ euro bị trì hoãn đến tận bây giờ, trong khi ban đầu dự tính tung ra từ tháng 7/2012.
ESM là một phần trong kế hoạch mua trái phiếu chính phủ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được công bố hôm thứ Năm (6/9/2012). Theo đó, các chính phủ đang vay nợ có thể đề nghị một gói hỗ trợ tài chính từ ESM hoặc quỹ EFSF ra đời trước đó.
Tuy nhiên, ông Soros cho rằng kế hoạch giảm nhẹ áp lực lên các quốc gia nợ nhiều như Tây Ban Nha hay Italy của ECB có thể khắc sâu hơn sự chia rẽ trong khu vực chung châu Âu. Chương trình mua trái phiếu ECB đưa ra có thể cứu được châu Âu, nhưng mặt trái là một bước tiến xa hơn tới sự phân chia rạch ròi giữa "kẻ cho vay" và "người đi nợ" tại EU.
"Các quốc gia đi nợ sẽ phải đề nghị để nhận sự giám sát từ Troika (gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ủy ban châu Âu), trong khi những nước cho vay thì không. Và điều này sẽ khiến sự chênh lệch về khả năng kinh tế giữa các chính phủ trong khu vực trở nên rõ nét hơn", ông Soros nhận định.
Đức đang là quốc gia đặt trụ sở của ECB, kiêm chủ nợ lớn nhất của các quốc gia đang ngập trong khủng hoảng tại châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland. Chính những lý do trên khiến ý tưởng Đức rút khỏi Liên minh châu Âu rất khó trở thành hiện thực.
Anh Quân (tổng hợp)