Chính phủ Đức hiện đang cung cấp phần lớn các khoản hỗ trợ cho những quốc gia yếu tại Liên minh châu Âu. Ảnh: Bloomberg |
Theo NY Times, tuyên bố trên của Moody's đối với Liên minh châu Âu không có lợi cho các nước như Đức, Pháp, Anh và Hà Lan. Bộ 4 quốc gia này đang nằm trong nhóm có điểm tín nhiệm cao nhất AAA và nắm giữ khoảng 45% doanh thu ngân sách của toàn liên minh.
Đại diện của Moody's cho biết: "Khả năng thanh toán nợ của các thành viên EU ngày càng kém hơn, đẩy châu Âu vào nguy cơ mất điểm tín nhiệm cao trong cuộc khủng hoảng. Thêm vào đó là các giao ước giữa những quốc gia này đang yếu dần, cùng với sự thay đổi về khung tài chính của EU đã khiến khu vực phải chịu cái nhìn tiêu cực từ phía cơ quan đánh giá tín nhiệm".
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ hai đầu tuần kêu gọi người dân đoàn kết và khẳng định nước Đức sẽ có nhiều hành động hơn nữa để hỗ trợ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng nợ đang hoành hành tại khu vực này. Hiện tại, Đức là quốc gia chính "cõng" các khoản hỗ trợ tài chính cho những chính phủ yếu hơn tại EU.
Cũng trong ngày thứ hai, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho biết ECB rất sẵn lòng mua các trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm nhằm hạ chi phí vay mượn cho các quốc gia rơi vào cảnh túng quẫn tài chính. Lãnh đạo các nước thuộc EU cũng thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm hỗ trợ cho kế hoạch ngăn châu Âu rơi vào cảnh hỗn loạn thị trường trái phiếu.
Trái phiếu 10 năm của Italy đã mất 8 điểm cơ bản vào ngày 2/9, hiện lợi tức 5,77%. Trong khi đó, con số này của Tây Ban Nha là 6,85%, gần với mốc 7% từng khiến Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland khốn khổ và phải kêu gọi hỗ trợ tài chính.
"Quan điểm về tín nhiệm của Moody's đối với Liên minh châu Âu có thể trở về mức ổn định nếu các quốc gia với điểm AAA đang giữ vai trò đầu tàu tại khu vực cho thấy được sức mạnh kinh tế của mình", đại diện của hãng xếp hạng tín nhiệm cho hay.
Anh Quân