Thông tin được Bloomberg Philanthropies - quỹ từ thiện của tỷ phú truyền thông Michael Bloomberg - công bố hôm 23/1, cùng sự chung tay của các nhà tài trợ khác nhằm đảm bảo Mỹ thực hiện nghĩa vụ khí hậu toàn cầu.
Các khoản chi trả gồm số tiền Mỹ nợ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) hàng năm. Chi tiết số tiền và thông tin các nhà tài trợ khí hậu khác không được công bố.
UNFCCC là một cơ quan của Liên Hợp Quốc điều hành đàm phán về khí hậu thường niên giữa gần 200 quốc gia, đảm bảo các bên thực hiện cam kết đưa ra, gồm Thỏa thuận Paris năm 2015.
Theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia tham gia phải đệ trình mục tiêu hoặc kế hoạch giảm phát thải 5 năm một lần. Họ cũng cần nộp báo cáo về lượng khí thải nhà kính, đồng thời nhóm các nước phát triển cam kết giúp nhóm nghèo hơn thích ứng với biến đổi khí hậu.
Là nước phát thải nhiều nhất trong lịch sử, Mỹ chịu trách nhiệm tài trợ khoảng 21% ngân sách cốt lõi của UNFCCC. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, nước này chi khoảng 11 tỷ USD hàng năm cho viện trợ khí hậu quốc tế.
Tuy nhiên, sau khi nhậm chức hôm 20/1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu trên, đồng thời ngưng tài trợ khí hậu quốc tế theo điều khoản thỏa thuận. Ông Trump khẳng định "đặt lợi ích quốc gia và người Mỹ lên hàng đầu khi đàm phán bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào có khả năng gây tổn hại hoặc kìm hãm nền kinh tế".
Đây là lần thứ hai tỷ phú Bloomberg lên tiếng trả phí khí hậu thay Mỹ, sau lần hỗ trợ vào năm 2017 - thời điểm ông Trump rút nước này rút khỏi thỏa thuận Paris lần đầu.
"Năm 2017-2020, giai đoạn liên bang không hành động, các thành phố, tiểu bang, doanh nghiệp và công chúng đã vượt qua thách thức để duy trì các cam kết của quốc gia. Và bây giờ, chúng ta sẵn sàng làm lại điều đó", tỷ phú Bloomberg nói.
Michael Bloomberg là một tỷ phú truyền thông với khối tài sản gần 105 tỷ USD tính đến 23/1, theo cập nhật từ Forbes. Ông cũng là cựu thị trưởng New York và đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.
Động thái này của tỷ phú truyền thông được giới phân tích ca ngợi, cùng niềm tin các doanh nghiệp, quỹ và một số tiểu bang có thể lấp đầy khoảng trống khi Mỹ ngưng hợp tác khí hậu quốc tế.
Bảo Bảo (theo Reuters)