Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 17/4 cho biết: "Các quốc gia trước đây Covid-19 không lan rộng nay đang ghi nhận lượng ca nhiễm tăng mạnh".
Số trường hợp dương tính tăng đột biến ở gần như tất cả các khu vực, nhất là Brazil, Ấn Độ, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo WHO, trong 7 ngày, kể từ 4/4 đến 11/4, số ca mắc toàn cầu tăng 11% so với tuần trước đó.
Lý do chủ yếu là biến thể nCoV mới lây lan nhanh hơn và việc chính phủ nhiều nước nới lỏng biện pháp hạn chế. Đợt bùng phát mới xảy đến khi công tác tiêm chủng toàn cầu chưa đồng đều. Nhiều nước đã triển khai vaccine đến phần đông dân số, trong khi các quốc gia khác đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Hôm 15/4, giới chức Ấn Độ ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Nước này ra lệnh thành lập bệnh viện dã chiến trong các phòng khách sạn và trung tâm sự kiện để đối phó với đợt tấn công của virus. Tại Mumbai, nhà chức trách áp dụng hàng loạt quy định nghiêm ngặt trong tuần này, đóng cửa hầu hết doanh nghiệp. Số trường hợp ở Ấn Độ cao hơn đáng kể so với làn sóng Covid-19 gần nhất hồi tháng 9 năm ngoái.
Quốc gia này cũng là nguồn cung vaccine quan trọng trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhân viên y tế tại một số khu vực tuyên bố họ chưa được tiêm chủng dù nằm trong nhóm ưu tiên. Đến nay, Ấn Độ đã tiêm hơn 110 triệu liều.
Brazil hiện có hơn 13,7 triệu ca nhiễm nCoV. Tuần này, bác sĩ khẩn cấp yêu cầu nguồn cung y tế do thiếu hụt thuốc an thần để đặt nội khí quản cho người bệnh. Hơn 365.000 người đã chết. Biến thể nCoV ở nước này cũng lây lan nhanh chóng, áp đảo hệ thống y tế. Tổ chức Bác sĩ Không biên giới gọi tình huống này là "thảm họa nhân đạo". Tổ chức cho biết chính phủ Brazil phản ứng hời hợt và có thái độ chính trị hóa cuộc khủng hoảng Covid-19.
Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục trong tuần này. Hôm 16/4, lần đầu số trường hợp dương tính vượt 60.000. Hôm 14/4, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ban bố lệnh phong tỏa một phần, đúng thời điểm diễn ra tuần thánh Ramadan.
Thục Linh (Theo Washington Post)