Những ngày gần đây xuất hiện công văn kèm theo các văn bản giấy tờ khác xin cấp phép nhập khẩu 50 triệu liều vaccine Covid-19 Moderna (Mỹ), được ghi là của Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex. Bộ Y tế cho rằng những giấy tờ này có dấu hiệu giả mạo thông tin.
"Đến nay Bộ Y tế chỉ nhận được các văn bản của công ty Vimedimex thông báo về chủ trương tìm kiếm đối tác cung ứng vaccine, chưa nhận được hồ sơ đề nghị phê duyệt vaccine Covid-19 do Moderna sản xuất", đại diện Bộ Y tế nói.
Một số địa phương, doanh nghiệp thời gian qua đã nhận được bộ hồ sơ "có dấu hiệu giả mạo" này.
Vaccine Moderna được phát triển bằng công nghệ mới mRNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh.
Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) phê duyệt vaccine Moderna vào ngày 6/1. Vaccine được tiêm chủng ở Mỹ, Canada, Đức, Hàn Quốc, Anh...
Kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine Covid-19 của Moderna ngày 13/4 cho thấy tiêm đủ hai liều sẽ có hiệu quả bảo vệ 90% kéo dài trong 6 tháng.
Tại Việt Nam, hiện Bộ Y tế mới chỉ phê duyệt có điều kiện hai loại vaccine Covid-19 của AstraZeneca (Anh) và Sputnik V của Nga, cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch.
Với vaccine AstraZeneca, Việt Nam đã có 117.600 liều do công ty VNVC mua vào giữa tháng 2 và hơn 800.000 liều do Covax tài trợ. Từ ngày 8/3, vaccine này được triển khai tiêm cho nhóm ưu tiên chống Covid-19. Đến nay hơn 66.000 người đã được tiêm vaccine AstraZeneca.
Vaccine Sputnik V được Bộ Y tế phê duyệt chiều 23/3. Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (Popyvac) là đơn vị đề nghị phê duyệt vaccine này. Hiện nhà sản xuất Nga và Polyvac chưa có thông tin hoặc phản hồi về kế hoạch cụ thể cung ứng Sputnik V.
Thời gian qua xuất hiện một số vụ gian lận, lừa đảo trong việc mua bán vaccine phòng Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam. Bộ Y tế khuyến cáo các cơ quan, tổ chức khi nhận được thông tin, đề nghị hợp tác về việc cung cấp vaccine cần thận trọng, chủ động xác thực, kiểm chứng thông tin, đảm bảo an toàn pháp lý, tài chính và thương mại.