Người gửi: Phạm Thế Hùng
Đa số các nước trên thế giới hiện áp dụng cách đánh giá kết quả theo thứ tự: Giỏi - Khá - Trung bình - Yếu - Kém. Từ sự đánh giá này, xã hội sẽ nhìn nhận và định hướng việc đào tạo cao hơn để có lợi nhất cho xã hội và bản thân cá nhân đó, tránh được lãng phí mà ai cũng có thể nhận thấy.
Nhiều trường đại học danh tiếng của một số quốc gia chỉ nhận những học sinh trong 3-4 năm cuối trước khi vào đại học phải nằm trong tốp 10 học sinh đứng đầu lớp. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá và xếp loại kết quả.
Theo công bố của những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc tại nước ngoài, nhằm phát hiện và tìm kiếm nhân tài, người ta cũng chia ra nhiều thang bậc chẳng hạn như thế nào là thiên tài và biểu hiện thiên tài ở trẻ em. Nhiều em chỉ bộc lộ sớm một số khả năng trước tuổi sau đó sẽ trở về bình thường theo thời gian.
Cũng theo công trình này, Moza chính là Thiên tài âm nhạc bẩm sinh bởi từ khi còn nhỏ tuổi, ông chỉ cần nghe một lần bản nhạc có độ dài nhiều phút sau đó chép lại không sai một nốt nhạc.
Trên cơ sở này, người ta đã thí nghiệm đọc một bài báo cho nhiều ngưòi cùng nghe một lúc và thấy rằng trí thông minh sẽ tỷ lệ thuận với độ chính xác và độ dài của bài báo mà từng người chép lại. Nếu một em bé 5 tuổi nhắc lại được đầy đủ những gì cháu nghe được trong năm phút thì đó là biểu hiện của Thiên tài rồi đấy vì chỉ có những bộ óc tuyệt vời mới làm được điều đó.
Chúng ta chắc không ai xa lạ với cách đánh giá theo Chi số thông minh (IQ) bởi rõ ràng ai có chỉ số cao hơn thì đúng là sẽ nổi trội hơn. Theo thống kê qua nhiều thế hệ và trên hàng triệu người, người giỏi chỉ khoảng từ 3-5% dân số. Như vậy, nếu trong lớp có 50 học sinh thì bình thường chỉ có thể có 2-3 em là học sinh giỏi. Còn người cực giỏi tỷ lệ chỉ là một phần vạn. Vì thế, không phải khoá học nào cũng sẽ sản sinh ra được một nhà khoa học đoạt giải Nobel.
Trước đây, nền giáo dục của chúng ta tổ chức dạy thêm rất hay và bổ ích thông thường chỉ có hai dạng học thêm đó là học "Phụ đạo" dành cho các học sinh yếu kém và học "Bồi dưỡng" dành cho học sinh giỏi. Những lớp học như thế này thông thường chỉ có vài người, danh sách đọc công khai trước lớp nên hiệu ứng thi đua rất cao, tác dụng rất lớn.
Như vậy có thể thấy, nếu ta cào bằng cả lớp đều là học sinh giỏi thì hoặc là ta phải xem lại mục đích chấm điểm, đánh giá xếp hạng để làm gì, hoặc là chúng ta đã tự tách mình ra khỏi cộng đồng quốc tế trong việc chấm điểm, xếp hạng.