Thông tin được PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết cho biết tại lễ Thành lập chi hội hội vận động và phát động đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 17/5.
"Chúng ta đã làm chủ được công nghệ ghép nhiều tạng cứu sống nhiều người nhưng nguồn tạng hiến sau chết não trên cộng đồng và vận động tại các bệnh viện rất thấp", bà Tiến nói.
Từ năm 1992 đến nay, cả nước có hơn 8.300 trường hợp được ghép tạng. Trong đó, số tạng hiến từ người chết não chỉ chiếm 6%, còn lại là người sống. Theo bà Tiến, thực tế này đi ngược với xu hướng của thế giới, bởi ở nhiều quốc gia, tạng hiến từ người chết não chiếm đa số. Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, số người đăng ký hiến tạng và người hiến chết não tăng rất nhanh những năm gần đây.
Cụ thể, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10 người chết não hiến tạng, tỷ lệ 0,1 trên 1 triệu dân, thấp nhất thế giới. So với Hàn Quốc - quốc gia có tỷ lệ người chết não hiến tạng cao nhất châu Á - con số này là 11. Còn ở Tây Ban Nha là 50 (cao nhất thế giới), ở Mỹ là 49.
Các chuyên gia đánh giá lý do tôn giáo, tín ngưỡng, truyền thông chưa hiệu quả, các bệnh viện chưa quan tâm đến vấn đề vận động hiến mô tạng đã dẫn đến nghịch lý trên.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cũng cho biết hàng năm ở tỉnh này có gần 1.000 bệnh nhân đang chạy thận, lọc máu chu kỳ, trong đó khoảng 30% trường hợp suy thận giai đoạn III, IV, V có chỉ định ghép thận. Do vậy, nguồn hiến tạng từ người chết não là cơ hội có ý nghĩa rất nhân văn, nhiều bệnh nhân mong chờ.
Phát triển nguồn tạng hiến chết não sẽ giúp giảm tình trạng mua bán tạng trái phép, ngoài ra còn giúp giảm gánh nặng chi phí y tế. Đơn cử, 95% bệnh nhân ghép thận sống trên 10 năm, chi phí ghép chỉ bằng ¼ tổng chi phí chạy thận trong cuộc đời, ông Diện nói.
Ông cũng nhắc lại mới đây, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí là cơ sở y tế tuyến tỉnh (chưa ghép tạng) đầu tiên thực hiện chẩn đoán và hồi sức chết não từ bệnh nhân chết não. Hôm 1/4, người đàn ông gặp tai nạn giao thông, được chẩn đoán chết não tại bệnh viện. Sau khi gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã khởi động điều phối các tạng được hiến.
"Đây là cột mốc quan trọng trong việc hình thành và mở rộng mạng lưới hiến tạng trong toàn quốc, bắt đầu từ các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh", ông nói.
Thời gian qua, nước ta đã thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều bệnh viện, giúp tăng đáng kể số người hiến tạng chết não. Nhân viên bệnh viện được tập huấn các kiến thức, tăng nhận diện người chết não tiềm năng; tiếp cận gia đình, người bệnh để chẩn đoán, hồi sức khi chết não; thuyết phục gia đình đồng ý, thực hiện lấy mô tạng.
Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh, với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế.
Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, khoảng 5.000 người đang chờ ghép tạng, trong đó chủ yếu là ghép gan và thận.
Lê Nga