Đây là lần đầu tiên việc lấy tạng được thực hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh ở miền Bắc, từ đó chuyển tới nhiều trung tâm ghép tạng trong cả nước, xa nhất là tới Bệnh viện Trung ương Huế.
Người hiến tạng là một người đàn ông ở Quảng Ninh, bị chấn thương sọ não rất nặng sau tai nạn giao thông. Sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, gia đình đồng ý hiến tạng.
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã xây dựng kế hoạch lấy đa mô tạng, phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các Trung tâm ghép tạng toàn quốc để rà soát và lập danh sách bệnh nhân sẽ được ghép từ người cho này. Các tạng được hiến gồm tim, gan, trong đó gan được chia tách gan phải – gan trái, 2 quả thận, 2 giác mạc.
Ca phẫu thuật lấy tạng được triển khai trong đêm 1/4, với sự tham gia của 120 y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chia thành nhiều kíp. Trong đó, các trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã cử các y bác sĩ đến Quảng Ninh tham gia phẫu thuật lấy tạng.
Sau 4 giờ phẫu thuật liên tục, các ê kíp đã thành công lấy tạng đúng như dự kiến và vận chuyển tới các đơn vị để ghép cho bệnh nhân.
Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, đến chiều 2/4, tất cả tạng được lấy từ người hiến trên đều đã được ghép, tưới máu tốt, mang lại hy vọng sống cho các bệnh nhân khác.
Tiến sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết Quảng Ninh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc tổ chức triển khai lấy tạng ngay tại đơn vị. Nơi này đang xây dựng 7 mũi nhọn trong khám và điều trị, bao gồm ghép tạng. Bệnh viện đã tổ chức cho 40 y bác sỹ thuộc nhiều lĩnh vực đi học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật để có thể triển khai ghép tạng ngay tại tỉnh.
Còn PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, nói đây là một cột mốc quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới hiến, ghép tạng từ tuyến huyện, tỉnh. Nếu mô hình này được triển khai thành công, nguồn tạng sẽ được mở rộng hơn, thêm nhiều bệnh nhân sống sót.
Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong chữa bệnh, với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Lê Nga - Thuỳ An