Dữ liệu do Bộ Nội vụ Australia thống kê từ tháng 7 năm ngoái tới tháng 4 năm nay, gồm cả du học sinh phổ thông, học nghề, đại học và các khóa tiếng Anh ngắn hạn.
Tỷ lệ này thấp hơn 1,5% so với mức trung bình. Kể từ năm 2005 đến nay, đây là lần thứ hai số lượng thị thực du học Australia cấp cho người Việt đạt dưới 80%, còn hầu hết khoảng 85-99,7%.
Nhóm bị từ chối nhiều nhất là diện du học nghề và học tiếng Anh, tỷ lệ đơn không được phê duyệt lần lượt 46,8% và 48,4%, trong khi trước đây chưa đến 40%.
Ở bậc đại học và sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), tỷ lệ đỗ lên tới 90-100%.
Việc giảm thị thực cấp cho du học sinh Việt, chủ yếu ở nhóm học các khóa ngắn hạn (6-24 tháng), trong bối cảnh Australia siết chặt nhập cư, từ nửa cuối năm ngoái.
Hồi tháng 2, nước này giảm thời gian cho du học sinh ở lại sau tốt nghiệp, còn 2-4 năm, thay vì 4-6 năm như trước. Đến tháng 3, yêu cầu tiếng Anh với sinh viên quốc tế là 6.0-6.5 IELTS, hơn 0.5 điểm so với mức cũ, thời gian làm thêm chỉ còn 24 tiếng, trong khi trước đây không giới hạn. Ngoài ra, du học sinh phải làm bài kiểm tra The Genuine Student Test, nhằm đảm bảo thị thực được sử dụng cho mục đích học tập. Đơn xin thị thực lần hai nhằm kéo dài thời gian lưu trú sẽ bị giám sát chặt hơn.
Tháng trước, Australia tăng mức chứng minh tài chính du học lên 29.710 AUD (gần 500 triệu đồng), cao hơn 20% so với trước đó. Từ 1/7, nước này cũng cấm chuyển đổi thị thực du lịch sang thị thực du học. Các đại học và trường nghề có thể bị áp trần tuyển sinh viên quốc tế vào đầu năm sau.
GS Trần Thị Lý, chuyên gia giáo dục quốc tế tại Đại học Deakin, nhìn nhận dù chính sách thắt chặt, nhiều trường vẫn hướng đến Việt Nam vì đây là thị trường tin cậy, sinh viên cần cù, học giỏi.
"Việt Nam là thị trường hàng đầu của các trường học nước này", bà nói.
Australia là một trong những điểm đến du học được ưa chuộng, mang về cho nền kinh tế 47,8 tỷ USD vào năm 2023. Đến cuối tháng 3, hơn 740.000 du học sinh ở đây, trong đó sinh viên Việt Nam khoảng 37.000, chiếm tỷ lệ 5%.
Doãn Hùng