Trong báo cáo chuẩn bị cho kỳ họp Chính phủ tháng 7 diễn ra tại Hà Nội hôm nay, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng những biến động về tỷ giá sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ 1% chỉ là "dư chấn tâm lý".
Động thái điều chỉnh danh mục đầu tư của khối ngoại phần nào ảnh hưởng tới tỷ giá. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, ngoài yếu tố tâm lý, theo Ủy ban Giám sát Tài chính còn nhiều nguyên nhân khác gây tác động tới thị trường. Một trong số đó là việc các nhà đầu tư nước ngoài điều chỉnh lại danh mục đầu tư và chốt lời. Ủy ban này cho hay, từ đầu tháng 6 đến nửa đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 450 triệu USD trên thị trường trái phiếu và gần 100 triệu USD trên thị trường cổ phiếu.
Ngoài ra, các tác giả cho rằng, nhu cầu cân bằng, điều chỉnh trạng thái ngoại hối của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp cũng là một trong những tác nhân khiến thị trường có đợt sóng tăng vừa qua. Mặc dù vậy, Ủy ban này vẫn nhận định dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng khá và cung - cầu trên thị trường từ nay đến cuối năm sẽ ổn định.
Đánh giá chung về tình hình kinh tế, Ủy ban cho rằng tăng trưởng đã có chuyển biến nhưng vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, nền kinh tế sẽ còn vấp phải nhiều khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho cả năm. "Với kết quả GDP 6 tháng đầu năm tăng ở mức 4,9%, tương đương với cùng kỳ năm 2012, tăng trưởng của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây. "Việc này khiến khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 5,5% sẽ gặp nhiều khó khăn", Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.
Tổng cầu của nền kinh tế đến hết tháng 7 vẫn còn tiếp tục suy yếu. Theo đánh giá của cơ quan này, nguyên nhân chính là tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp. Theo đó, tổng vốn đầu tư 6 tháng đầu năm chỉ đạt 29,6% GDP, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ 2012 (34,5% GDP). "Cần tập trung chỉ đạo điều hành để đảm bảo mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12-14% so với 2012", Ủy ban Giám sát Tài chính khuyến nghị.
Một trong những giải pháp của những tháng còn lại theo cơ quan này là cần điều chỉnh liều lượng cho các giải pháp hỗ trợ cũng như thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ. Các tác giả cho rằng phải giúp chính sách nhanh chóng thẩm thấu vào nền kinh tế, đảm bảo "điểm rơi chính sách" chính xác. "Tránh chậm trễ trong việc điều chỉnh tạo nên tình trạng thiếu vốn đầu tư, khiến mục tiêu tăng trưởng năm nay khó thực hiện nhưng lại tạo hệ lụy gia tăng lạm phát", cơ quan này lo ngại.
Nguyễn Hưng - Thanh Lan