Sau khi kết thúc tháng bán ròng kỷ lục hồi tháng 6, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu thế này ngay trong tuần đầu tháng 7. Với hơn 6 triệu cổ phiếu bán ròng, tổng giá trị vốn hóa bị khối ngoại rút ra khoảng 80 tỷ đồng. VIC bị bán ròng mạnh nhất với hơn nửa triệu đơn vị, trị giá lên tới 34 tỷ đồng chỉ trong vài phiên.
Sang tuần này, trên sàn TP HCM, khối ngoại bán ròng gần 200.000 cổ phiếu, nhưng nếu tính theo giá trị, các nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng hơn 11 tỷ đồng. Riêng phiên 9/7, các nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhất cổ phiếu EIB, HVG và VNM, trị giá lần lượt là 3,6 tỷ, 2 tỷ và 1,9 tỷ đồng. Trong khi đó, PPC, DPM và PVD được mua ròng nhiều nhất, trị giá 3-5 tỷ đồng. Còn tại sàn Hà Nội, đầu tuần đến nay, khối ngoại lại bán ròng 8,5 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn còn một số phiên bán ròng sau thông tin tăng tỷ giá, nhưng mức độ chậm lại so với hồi tháng 6. Ảnh: Bạch Hường |
Từ đầu tháng 7, Vn-Index lẫn HNX-Index liên tục mất điểm. Phiên ngày 2/7 khả quan nhất khi Vn-Index tăng 9,8 điểm còn HNX-Index lên 0,71 điểm. Thế nhưng, ngay sau đó, xu thế giảm điểm lại tiếp tục bao trùm hai sàn. Nhiều phiên khối lượng giao dịch cả hai sàn không vượt nổi trị giá 1.000 tỷ đồng. Chỉ đến phiên 9/7, chỉ số chứng khoán hai sàn mới hồi phục, nhưng mức tăng cũng chỉ đạt 0,38% đối với HNX-Index và 0,57% đối với Vn-Index.
Theo bản tin ngày 9/7 của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), chứng khoán cũng bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1% từ ngày 28/6, lên 21.036 đồng, kéo theo đợt tăng kịch trần ở các ngân hàng thương mại (21.246 đồng một đôla) và đẩy tỷ giá trên thị trường tự do lên sát 22.000 đồng.
Bản tin MBKE nói thêm, hiện có hai nguyên nhân quan trọng gây áp lực lên tỷ giá, bao gồm biến động trên thị trường vàng và những rủi ro gia tăng tại các thị trường mới nổi dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài đóng trạng thái dài hạn với trái phiếu. Biến động trên thị trường ngoại hối cũng làm các nhà đầu tư chứng khoán lo lắng, dẫn tới đợt phục hồi yếu và kém thanh khoản trong hơn một tuần qua, theo bản tin MBKE.
Ông Fiach Mac Cana – Giám đốc điều hành, phụ trách nghiên cứu của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC, Mã CK: HCM) cũng nhận định trong bản tin hỗ trợ nhà đầu tư ngày 8/7 rằng việc tăng tỷ giá đang ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. “Sau khi tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng vào tháng trước, chúng tôi đã nghĩ rằng câu chuyện tỷ giá kết thúc. Tuy nhiên, sự đầu cơ trên thị trường ngoại hối vẫn tiếp tục”, ông Fiach chia sẻ.
Diễn biến tỷ giá những ngày qua, theo ông Fiach, xuất phát từ hai yếu tố. Trong đó, sau thông tin về việc thu hẹp QE, đồng USD đã mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền khác, cũng như đối với hàng hóa. Riêng trường hợp của Việt Nam còn có một nguyên nhân nữa là giá vàng trong nước cao hơn so với thế giới, dẫn dến cơ hội đầu cơ hưởng chênh lệch giá.
Ông Fiachra cũng nhìn nhận Ngân hàng Nhà nước đang tích cực tìm giải pháp ứng phó với tình trạng đầu cơ hiện tại trên thị trường, đồng thời cũng đưa ra 5 giải pháp gợi ý cho nhà băng triển khai. Trong đó có kiểm soát thị trường ngoại hối tự do để giảm hoạt động đầu cơ là giải pháp đầu tiên được nêu ra.
Các biện pháp còn lại, theo ông Fiachra cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tìm cách giảm 3-4 triệu đồng một lượng đối với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đồng thời bơm thêm USD cho thị trường liên ngân hàng. Giải pháp cuối cùng, theo ông, Ngân hàng Nhà nước cũng nên yêu cầu các nhà băng và doanh nghiệp xuất khẩu tăng cung USD ra thị trường, và cần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng một lần nữa.
Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Vietinbank (Mã CK: CTS) lại cho rằng thực ra lo ngại của khối ngoại đã nảy sinh từ trước khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng tỷ giá. Vì thế hoạt động bán ròng đã diễn ra khá mạnh trong cả tháng 6. Sau thời điểm Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố tăng tỷ giá thêm 1%, hoạt động bán ròng vẫn diễn ra nhưng ít hơn do khối ngoại cũng có sự chuẩn bị tâm lý.
Trong thời gian tới, chuyên gia này cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục lình xình. Thậm chí, xu thế này còn có thể diễn ra hết tuần này hoặc sang tuần sau. Nếu các chính sách không có gì mới, rất có thể thị trường sẽ quay lại chu kỳ giảm điểm, chuyên gia này nhận xét.
Còn theo ông Trần Thăng Long – Phó phòng phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), đầu năm đến nay, đồng USD đã mạnh lên so với các đồng tiền quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Do vậy, ông Long nhận định, điều chỉnh tỷ giá là việc làm hợp lý, không liên quan đến các cuộc bán tháo của khối ngoại trên thị trường chứng khoán.
“Việc bán ròng đã có từ trước khi tăng tỷ giá, hơn nữa nó diễn ra trên toàn châu Á chứ không riêng Việt Nam. Đặc biệt khi kinh tế Mỹ tốt dần lên, Ngân hàng Trung ương Mỹ không tiếp tục gói kích thích, như vậy luồng tiền rẻ từ Mỹ sẽ phải thu về. Nhưng nó diễn ra trên quy mô nhiều nước, chẳng hạn ở Indonesia, hiện khối ngoại đã rút gần hết lượng mua ròng kể từ đầu năm”, ông Long chia sẻ.
Theo ông Long, trong suốt tháng 6, 90% lượng bán ròng là do các quỹ ETF xả hàng, còn lại là các nhà đầu tư nước ngoài khác. Đối với các quỹ hoặc nhà đầu tư trung, dài hạn nước ngoài thì việc điều chỉnh tỷ giá không quá ảnh hưởng do thời gian nắm giữ thường tính theo năm, ông Long nhận định.
Về giá cổ phiếu, ông Long cho rằng phải chờ đợi thêm thời gian nữa, trong trung hạn mới có thể thấy rõ tác động từ việc điều chỉnh tỷ giá đến các cổ phiếu ra sao. Giá cổ phiếu bị chi phối bởi nhiều yếu tố, tỷ giá ngoại tệ cũng quan trọng nhưng không phải lý do chính yếu, ông Long nói thêm.
Tường Vi