Twitter hôm 11/6 cho biết công ty đã xóa một mạng lưới gồm 23.750 tài khoản hoạt động tích cực và khoảng 150.000 tài khoản "khuếch đại" được sử dụng để tăng cường nội dung cho các tài khoản trên.
Twitter cùng các nhà nghiên cứu phân tích các tài khoản này, cho biết mạng lưới trên hoạt động chủ yếu nhằm mục đích tạo "hiệu ứng buồng vang" cho các tài khoản giả. Twitter, cùng với các công ty mạng xã hội khác ở Mỹ như Facebook, Instagram, bị chặn ở Trung Quốc.
Twitter cho biết mạng lưới bị xóa này có liên quan tới một chiến dịch tuyên truyền do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn từng bị Twitter, Facebook và YouTube bóc gỡ hồi năm ngoái do lan truyền các thông tin sai sự thật về biểu tình Hong Kong.
Các nhà nghiên cứu cho biết chiến dịch tuyên truyền mới cũng tập trung chủ yếu vào vấn đề Hong Kong, nhưng cũng thúc đẩy các thông điệp không đúng sự thật về đại dịch Covid-19, vấn đề Đài Loan cũng như tỷ phú Trung Quốc lưu vong Quách Văn Quý.
Renee DiResta, thuộc Trung tâm Quan sát mạng Stanford, cho biết hoạt động liên quan đến Covid-19 của mạng lưới này được tăng cường vào cuối tháng 1, khi dịch bệnh vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, và đạt đỉnh vào tháng 3. Các tài khoản trong mạng lưới đều ca ngợi phản ứng của Trung Quốc với dịch bệnh, đồng thời chỉ trích Mỹ và các nhà hoạt động Hong Kong, DiResta cho hay.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bình luận về thông tin trên.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 5 cho biết họ đã tìm thấy một mạng lưới các tài khoản Twitter không có thật "khả năng cao" liên kết với Trung Quốc để lan truyền các tuyên bố sai lệch về Covid-19. Twitter khi đó bác bỏ cáo buộc, nói rằng 5.000 tài khoản mà Bộ Ngoại giao Mỹ xác định thuộc về các tổ chức phi chính phủ và nhà báo hợp pháp.
Một phát ngôn viên của Twitter hôm 11/6 cho biết mạng lưới mới bị xóa không liên quan đến những tài khoản Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định.
Trong năm qua, một lượng lớn quan chức ngoại giao và phái đoàn ngoại giao Trung Quốc lập tài khoản Twitter hoặc Facebook, thường sử dụng chúng để công kích các nhà phê bình Bắc Kinh trên khắp thế giới theo chiến lược "ngoại giao chiến lang".
Tháng trước, Twitter dán nhãn cảnh báo bài đăng hồi tháng 3 của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, trong đó nói rằng quân đội Mỹ đã mang nCoV đến Vũ Hán.
Huyền Lê (Theo Reuters)