Samsung TU8100 vừa bán ra ở Việt Nam tháng 4 nay đã được nhiều siêu thị điện máy giảm gần 10% so với mức niêm yết. Bản 55 inch có giá 17,4 triệu đồng nhưng thực tế chỉ còn 15,9 triệu đồng, giảm 1,5 triệu đồng. Một model "đời" 2020 khác của Samsung là TU7000 58 inch cũng còn 14,3 triệu đồng, thấp hơn mức niêm yết 3,6 triệu đồng, tương đương tới 20%.
TV Sony đời mới 2020 chưa có nhiều mẫu trên thị trường nhưng cũng giảm giá. Ví dụ,giá bán mẫu 4K X7500H các phiên bản 49 và 55 inch đầu tháng 6 lần lượt là 14,9 và 16,9 triệu đồng, trong khi hồi tháng 5 là 16,4 và 18,4 triệu đồng, giảm 10%.
Giảm mạnh nhất trong vòng một tháng nay là các mẫu TV 4K đời cũ, phần lớn là model 2019 cùng một số mẫu 2018. Hầu hết TV model 4K tầm trung và cao cấp của các hãng lớn, như Samsung RU7100, RU7200 hay Sony X7000G, X8000G, X8500G hoặc LG UM7100, UM7300, SM8100 đều có mức giảm 1 đến 2 triệu đồng so với đầu tháng 5. So với mức giá ban đầu khi ra mắt năm ngoái, nhiều model chỉ còn một nửa.
Sản phẩm càng đắt tiền và kích cỡ càng lớn, mức giảm càng nhiều, có thể lên tới chục triệu đồng. Ví dụ, mẫu QLED 4K cao cấp Q65R của Samsung có giá 26 và 40 triệu đồng cho phiên bản 65 và 75 inch, bằng nửa so với mức 55 và 84 triệu đồng của năm ngoái. Hay model UM7500 75 inch của LG, cũng xuống dưới 30 triệu đồng, bằng nửa so với giá gốc 60 triệu đồng.
Cuộc chạy đua về giá của hàng loạt thương hiệu TV đã khiến giá của TV 4K 55 và 65 inch nói chung giảm mạnh. Một số model 4K 55 inch của Samsung và LG đã xuống dưới 10 triệu đồng, như NU7090 (8,99 triệu đồng), RU7100 (9,7 triệu đồng) hay UM7100 (9,8 triệu đồng). Mức này tương đương với TV 4K của thương hiệu Trung Quốc, thậm chí ngang bằng các dòng TV 4K giá rẻ của Xiaomi ở thị trường xách tay.
Mỹ Kim, chủ một cửa hàng kinh doanh TV ở TP HCM, cho biết chưa năm nào TV lại giảm giá sâu đến vậy. Thông thường, giá bán tại các siêu thị điện máy thường cao hơn tại các cửa hàng nhỏ hay kênh online vài triệu đồng, nhưng giờ các siêu thị cũng hạ giá ngang bằng, có mẫu còn rẻ hơn. Việc giảm giá như vậy là do lượng hàng tồn lớn, sức mua thấp, trong khi các mẫu mới đều đã xuất hiện.
Giám đốc một hệ thống siêu thị điện máy lớn ở khu vực phía Bắc cho rằng, thị trường TV chịu ảnh hưởng nhiều từ Covid-19. Thị trường năm nay vốn kỳ vọng vào các sự kiện thể thao lớn, như Euro 2020, Olympic 2020 hay F1... để tăng trưởng, nhưng đều bị chuyển sang năm sau, vì thế, các yếu tố kích cầu chủ yếu là giảm giá. So với các cửa hàng nhỏ hay kênh thương mại điện tử, các hệ thống điện máy chịu áp lực lớn từ chi phí hoạt động, mặt bằng nên phải áp dụng chính sách để xả hàng mạnh tay hơn. Ngoài giảm giá nói chung, nhiều siêu thị điện máy còn ra thêm chương trình xả hàng trưng bày, một số model có mức giảm 60 - 80% so với niêm yết.
Theo nhiều chuyên gia thiết bị nghe nhìn, thời điểm này phù hợp để sắm TV mới. Người mua có thể so sánh tính năng, giá bán giữa các sản phẩm đời cũ và mới để đưa ra quyết định phù hợp. Với các dòng TV đời quá cũ hay nằm trong chương trình xả hàng trưng bày tại các siêu thị điện máy, người mua cần cân nhắc thời gian hoạt động của màn hình. Thông thường, TV được mở liên tục 10 đến 12 giờ mỗi ngày để trưng bày, nên thời gian sử dụng gấp nhiều lần so với sử dụng thông thường tại nhà, ảnh hưởng đến tuổi thọ sản phẩm. Với các model đời cũ, người mua cần quan tâm tới thời gian bảo hành và tình trạng sản phẩm. Phải lưu ý sản phẩm có còn mới nguyên hộp hay không.
Tuấn Anh