Quách Ánh, 16 tuổi, quê ở tỉnh nghèo Quý Châu, tây nam Trung Quốc, cùng người bạn thân bước lên chuyến xe "đổi đời" xuống miền nam hồi mùa xuân năm ngoái, sau khi được một người bạn quen khi chơi game trên mạng "tuyển dụng".
Hai cô gái trẻ sống xa gia đình, chỉ biết công việc họ sắp làm liên quan đến đánh máy. Dù ngần ngại khi bước lên xe, Quách Ánh và bạn tin rằng họ sẽ làm tốt công việc này nhờ kỹ năng chơi game online. "Chúng tôi không nghĩ ngợi nhiều về việc phải hỏi mình sẽ làm gì và đi tới đâu", Ánh tâm sự.
Khi đến điểm hẹn ở vùng núi tỉnh Quảng Tây, 4 phụ nữ khác nhập nhóm mà không hề hay biết rằng họ đang bị bán tới một đất nước chưa từng nghe nói tới. Họ được lệnh đi bộ leo núi xuyên đêm, sau đó lên xe tới thành phố cảng Sihanoukville ở tây nam Campuchia.
Tại đây, họ bị giam trong một khu phức hợp casino. Ánh không được phép rời khỏi tòa nhà và bị lăng mạ, đe dọa, ép thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến nhằm vào công dân Trung Quốc.
Ánh bị yêu cầu sử dụng Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, để thuyết phục người dùng Internet ở quê hương rằng họ có thể kiếm tiền bằng cách bấm "thích" các nội dung trên nền tảng mạng xã hội này. Tất cả những gì người dùng cần làm là chuyển tiền "đầu tư" cho nhóm lừa đảo để được trả tiền lời sau đó. Ban đầu, những người này được rút một khoản lợi nhuận khiêm tốn, nhưng ngày càng bị thúc giục đóng nhiều tiền hơn.
"Chúng tôi yêu cầu họ nộp trước 100 tệ", Ánh giải thích. "Sau đó, giục họ nộp số tiền lớn hơn, như 500 tệ, nhưng rồi công ty sẽ không trả lại số tiền đó".
Ánh sợ hãi và làm theo những gì bị ép buộc. Cô từng chứng kiến những kẻ giám sát còng tay, đánh đập một phụ nữ khác có kết quả kém trong công việc. "Tôi sợ điều tương tự sẽ xảy ra với mình", Ánh nói.
Những kẻ giam giữ người Trung Quốc đòi Ánh phải nộp 15.000 USD để đổi lấy tự do, số tiền quá lớn với cô gái trẻ. Có những tháng cô kiếm được khoảng 1.000 USD khi miệt mài thực hiện trò lừa đảo trên Douyin, nhưng quản lý thường xuyên trừ hết lương của cô vì những hành vi mà họ cho là "không phù hợp".
"Có một lần, tôi nói bằng giọng địa phương với người ngồi bên cạnh. Họ tuyên bố đó là hành vi 'phá rối nơi làm việc' và phạt tôi 100 USD", Ánh kể.
Trong suốt quá trình, Ánh ấp ủ kế hoạch đào tẩu. Đến tháng 11/2021, quản lý đe dọa sẽ bán cô cho một tổ chức lừa đảo khác vì không hoàn thành chỉ tiêu, Ánh gần như sụp đổ.
"Tôi đã uống 40 viên thuốc ngủ để tự tử", cô cho hay. "Tôi chỉ muốn tìm về một nơi yên bình".
Ánh tỉnh dậy ngày hôm sau trong một bệnh viện ở Sihanoukville mà không có người canh giữ bên cạnh. "Có lẽ vì tôi khá ngoan ngoãn nên họ không cử ai theo dõi ở bệnh viện, họ không nghĩ tôi sẽ chạy trốn", cô cho biết.
Tận dụng cơ hội, Ánh lập tức liên lạc với một nhóm tình nguyện Trung Quốc hỗ trợ nạn nhân buôn người và được đưa đến nơi an toàn ở thủ đô Phnom Penh.
Theo ước tính của cảnh sát Campuchia, hàng nghìn công dân Trung Quốc, một số mới 15 tuổi, đã trở thành con mồi của các nhóm tội phạm buôn người xuyên quốc gia từ Trung Quốc sang Campuchia. Chính quyền đảo Đài Loan hôm 19/8 cũng thông báo nhận được đơn trình báo của thân nhân 333 người, cho hay họ mắc kẹt tại quốc gia này vì bị các băng nhóm dụ dỗ, hứa hẹn trả lương cao cho các "công việc công nghệ" tại Campuchia.
Những người như Ánh phải làm các công việc lừa đảo 14 giờ/ngày, không có ngày nghỉ, với điều kiện như nô lệ, trong những căn phòng đầy máy tính và bảo vệ thường xuyên giám sát tại Sihanoukville.
Sihanoukville là thành phố có cảng nước sâu duy nhất tại Campuchia, chiếm vị trí chiến lược trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Theo Marta Kassztelan, phóng viên thường trú của SCMP tại Campuchia, các hoạt động lừa đảo là hậu quả khi ngành công nghiệp cờ bạc bùng nổ tại Sihanoukville những năm gần đây. Số lượng casino được cấp phép ở Campuchia đã tăng từ 57 lên 150 trong giai đoạn 2014-2019, theo số liệu từ Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC).
"Thành phố này là tập trung nhiều hoạt động kinh doanh mờ ám", Pech Pisey, giám đốc điều hành Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) chi nhánh Campuchia, nhận định.
Yun Min, cựu thị trưởng Sihanoukville, năm 2018 cho rằng "mafia Trung Quốc" đứng sau tình trạng tội phạm gia tăng ở thành phố. "Chúng ẩn mình để thực hiện nhiều tội ác và bắt cóc các nhà đầu tư Trung Quốc, gây mất an ninh trong tỉnh", Yun Min khi đó nói với Reuters.
Ông Pech Pisey không loại trừ khả năng nhóm tội phạm này thông đồng với một số quan chức tham nhũng, do các hoạt động tội phạm được tiến hành một cách có hệ thống và rất xảo quyệt.
Kheang Phearum, phát ngôn viên chính quyền tỉnh Sihanoukville, ngày 21/8 cho biết giới chức đang tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát để đối phó với tình trạng buôn người và những băng nhóm tội phạm lừa gạt người nước ngoài tới quốc gia này lao động trái phép.
"Rất nhiều nạn nhân bị đối xử như thể họ không phải là con người", Trần Bảo Vinh, doanh nhân Trung Quốc, thành viên đội tình nguyện hỗ trợ các nạn nhân buôn người, nói. "Họ bị đánh đập, thân nhân bị đòi tiền chuộc, cuối cùng bị bán cho tổ chức lừa đảo khác".
Vinh, người đã tham gia giải cứu hơn 200 nạn nhân, đã sụt 10 kg kể từ khi gia nhập nhóm hồi năm ngoái. Anh nhận hàng chục tin nhắn từ đồng hương bị lừa hàng ngày.
"Tôi hút hai bao thuốc một ngày, kể cả ban đêm. Tôi phải ép mình đi ngủ vào một giờ sáng, không ngủ được thì sẽ uống thuốc ngủ", Vinh chia sẻ. "Tôi bị trầm cảm sau những câu chuyện khủng khiếp của các nạn nhân, luôn cảm thấy lòng trĩu nặng".
Vinh cho biết các nạn nhân thường lâm vào đường cùng khi bị những kẻ buôn người thu hộ chiếu, mắc kẹt trong các khách sạn, sòng bạc và các khu phức hợp giải trí ở Campuchia. Những ngôi nhà an toàn ở thủ đô Phnom Penh do các nhóm tình nguyện quản lý cũng ghi nhận rất nhiều những câu chuyện đào thoát "nghẹt thở".
Hư Minh Kiến, 28 tuổi, nhảy từ tầng hai một tòa nhà ở Sihanoukville, nơi anh bị giam trong ba tháng, lúc 3h30 sáng. Nằm trên mặt đất sau cú rơi, nghĩ rằng mình sắp chết, anh gọi cho vợ ở quê nhà cách hàng nghìn cây số, nói rằng mình vừa thoát khỏi "địa ngục trần gian".
"Tôi đã chứng kiến cảnh họ lôi nhiều người khỏi khu vực làm việc và đánh đập", Kiến nhớ lại sau khi được giải cứu. "Tôi nghe thấy tiếng la hét của họ".
Tòa nhà nơi Kiến bị giam là nơi ở của hơn 100 người, tất cả đều bị nhốt sau những cánh cửa khóa kín. "Luôn phải ở trong nhà trừ khi bị ốm nặng phải nhập viện", Kiến cho biết. "Luôn có một người giám sát túc trực theo dõi".
Kiến ngủ trong ký túc xá với những người anh cho là có vấn đề về bạo lực và tâm lý. Anh làm việc "không ngừng nghỉ" 12 giờ mỗi ngày, trong một căn phòng cùng hàng chục đồng hương, tất cả đều sử dụng máy tính, với bảo vệ đứng ngay bên cạnh.
"Nó giống như một màn tra tấn tinh thần. Chúng tôi chịu áp lực tinh thần rất lớn, khi phải lừa đảo người khác, đồng thời tự đánh lừa bản thân rằng những gì mình đang làm không phải là sai trái", anh nhớ lại khoảng thời gian kinh hoàng.
Sau cú ngã, Kiến nằm liệt giường một tháng và ngồi xe lăn vài tháng. Anh hiện có thể đứng dậy và đi tập tễnh. Dưỡng sức trong căn nhà an toàn ở Phnom Penh, anh thích ở trong nhà, nghỉ ngơi và gọi về cho gia đình ở Trung Quốc.
"Trước khi mọi chuyện xảy ra, tôi từng tự hỏi về đáy sâu nhất trong đời người là gì", Kiến nói. "Sau khi trải qua vực thẳm đó, tôi nhận ra rằng điều quan trọng nhất là còn sống thì còn hy vọng".
Đức Trung (Theo SCMP)