Năm 2020 không phải là một năm nóng cực đoan nhưng các sông băng trên dãy Alps của Thụy Sĩ vẫn đang co lại không ngừng, mất tới 2% thể tích kể từ đầu năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Sĩ (SCNAT) cho biết trong nghiên cứu hàng năm về tình trạng của các sông băng.
"Con số này thấp hơn một chút so với ba năm trước, khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục, nhưng mức suy giảm 2% vẫn là rất nhiều", tác giả chính của nghiên cứu Matthias Huss, người phụ trách Mạng lưới giám sát sông băng (GLAMOS), nhấn mạnh.
Theo báo cáo, trong 60 năm qua, những dòng sông băng của Thụy Sĩ đã mất một lượng nước dự trữ đủ để lấp đầy hồ Constance khổng lồ - có diện tích bề mặt lên tới 536 km2 - nằm giữa biên giới Thụy Sĩ, Đức và Áo.
"Phát hiện đáng lo ngại nhất có lẽ là sự tích tụ tuyết trên Aletsch - sông băng lớn nhất dãy Alps - đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay", Huss chia sẻ. "Ngay cả ở độ cao 3,466 m so với mực nước biển, tuyết tích tụ rất ít dù nhiệt độ không khí trên đó cực thấp. Đây rõ ràng là một dấu hiệu xấu".
Aletsch là một trong hơn 4.000 sông băng cổ đại nằm rải rác khắp dãy Alps, cung cấp nước ngọt theo mùa cho hàng triệu người sống dưới chân núi và góp phần tạo nên một trong những cảnh quan đẹp và hùng vĩ nhất ở châu Âu.
Trong một nghiên cứu vào năm ngoái, Đại học Kỹ thuật ETH ở Zurich cảnh báo khoảng 95% các sông băng trên dãy Alps có thể tan chảy hoàn toàn vào năm 2100 nếu con người không kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính. Ngay cả khi thế giới đạt mục tiêu "giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2°C" trong Hiệp định Paris 2015, 2/3 sông trên dãy Alps vẫn biến mất vào cuối thế kỷ 21.
Đoàn Dương (Theo AFP)