Tảng băng rộng 113 km2 tách ra từ sông băng Spalte, một đoạn của sông băng Nioghalvfjerdsfjorden ở đông bắc Greenland, do nhiệt độ ấm lên, Science Alert hôm nay đưa tin. "Chúng tôi thấy tốc độ mất băng của thềm băng lớn nhất còn lại ở Bắc Cực đang tăng lên", Jason Box, giáo sư nghiên cứu sông băng tại Viện Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS), cho biết.
GEUS cũng công bố ảnh vệ tinh cho thấy phần sông băng vỡ ra. Các tảng băng vỡ ra từ sông băng là hiện tượng bình thường, nhưng chúng thường không lớn như vậy. Từ năm 1999, sông băng Nioghalvfjerdsfjorden đã mất 160 km2 băng, gấp đôi diện tích Manhattan. Tốc độ mất băng cũng tăng lên trong hai năm gần đây.
"Nếu chúng ta còn trải qua thêm những mùa hè ấm như hai năm qua, mực nước biển toàn cầu sẽ dâng lên nhanh hơn", Box nói. Dải băng Greenland tan chảy khiến mực nước biển tăng 1,1 cm từ năm 1992-2018, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature cuối năm ngoái. Nghiên cứu gần đây hơn của Đại học Lincoln (Anh) dự đoán, băng tan ở Greenland có thể khiến nước biển dâng 10-12 cm đến năm 2100.
Nhiệt độ trung bình tại Greenland đã tăng khoảng 3 độ C kể từ năm 1980 và dự kiến sẽ chạm mức kỷ lục trong năm nay. Sóng nhiệt trong những năm gần đây khiến băng tan nhanh hơn, theo Jenny Turton, nhà nghiên cứu tại Đại học Erlangen-Nuremberg (Đức).
"Mỗi mùa hè, nước chảy từ dải băng Greenland đến lưỡi sông băng, tạo nên các sông và hồ trên bề mặt. Mùa đông, nước đóng băng lại làm tăng thêm áp lực lên lưỡi sông băng và có thể dẫn đến những đợt băng vỡ", Turston giải thích. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, quá trình này từng xảy ra với Zachariae, sông băng đổ sụp xuống biển năm 2015.
Thu Thảo (Theo Science Alert)