Nhìn trẻ ăn uống ngon miệng, cha mẹ nào cũng hạnh phúc vì thấy con khỏe mạnh, khôn lớn từng ngày. Tuy nhiên, theo thạc sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, có một nghịch lý khá phổ biến đang tồn tại, là tình trạng biếng ăn ở trẻ tỷ lệ thuận với sự phong phú và dồi dào của nguồn thực phẩm dinh dưỡng sẵn có. Quan niệm mong con "hay ăn chóng lớn" vô hình tạo nên một áp lực lớn đối với cha mẹ, thậm chí gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Vì thế để giúp con ăn uống ngon miệng và phát triển tốt, bác sĩ Thạc khuyên cha mẹ nên lưu ý những nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn uống như sau:
- Không nên quá áp đặt việc ăn uống của trẻ.
- Món ăn của bé nên phong phú và bắt mắt.
- Tạo không khí sinh hoạt gia đình vui vẻ và hòa đồng trong bữa ăn.
- Đừng bắt con ăn hết phần ăn mà bạn muốn, trẻ sẽ rất dễ ngán và cảm thấy việc ăn uống trở nên nặng nề. Hãy để bé ăn theo nhu cầu. Khi trẻ không muốn ăn nữa, bạn nên ngưng món ăn chính và chuyển sang món tráng miệng. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy thật thoải mái khi được cho ăn.
- Tránh tuyệt đối việc khen thưởng khi trẻ chịu ăn loại thực phẩm mà bạn muốn vì nghĩ thức ăn ấy tốt cho bé. Điều này gây ra tình trạng mất cân đối các loại thực phẩm trẻ cần, khiến bé biếng ăn vì cứ phải dùng một loại thức ăn không còn sức hấp dẫn với mình nữa.
- Nên cho bé tham gia chuẩn bị bữa ăn cùng với cha mẹ. Trẻ con rất thích ăn những gì chúng tự chế biến để khám phá thế giới xung quanh. Vì vậy bạn nên để trẻ giúp một tay trong việc nấu nướng những món ăn đơn giản như làm bánh ngọt, nướng bánh mì, chế biến các loại nước ép trái cây... Đối với trẻ lớn, nên khuyến khích ăn chung với gia đình.
- Hãy quan tâm đến tính đa dạng của các món ăn. Nếu ngày nào bạn cũng dọn cho trẻ món trứng đúc thịt, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi bé không muốn ăn. Hãy thử bữa sau bạn cho trẻ một khúc cá chiên hay bát súp sườn hầm khoai tây, chén canh rau dền cua đồng...bạn sẽ thấy bé luôn tò mò thích ăn thử món mới xem sao.
- Khuyến khích trẻ ăn đủ các bữa trong ngày một cách điều độ, đặc biệt là bữa sáng. Nghiên cứu dinh dưỡng cho thấy những trẻ ăn sáng đều đặn có vóc dáng cân đối và thường mạnh khỏe hơn đứa hay bỏ lỡ bữa sáng.
- Nói cho bé biết về những lợi ích của việc ăn uống đầy đủ, đặc biệt là sự phát triển về thể lực và trí não của trẻ liên quan chặt chẽ với những loại thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Nhận thức được điều này có thể giúp trẻ hào hứng hơn trong việc ăn uống của mình.
- Cắt giảm những bữa ăn vặt. Bạn hãy xem tình trạng biếng ăn của con mình có liên quan đến việc ăn vặt của bé hay không. Vài cái kẹo, một gói bánh snack, một củ khoai... tưởng như không là gì nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng của trẻ.
- Với bé ở độ tuổi đến trường, phụ huynh có thể thảo luận với thầy cô chọn những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, nhiều chất xơ, nhiều rau xanh... Nếu có điều kiện nên cho trẻ ăn những món ăn yêu thích, chúng thấy ngon miệng hơn.
- Khuyến khích mọi thành viên trong gia đình tổ chức nhiều hoạt động thể lực vui nhộn và bổ ích như đá bóng, đi bộ, chạy xe đạp... Hoạt động thể lực làm tiêu hao năng lượng dư thừa sẽ giúp trẻ mau đói bụng và cảm thấy ăn ngon miệng hơn.
Thi Ngoan