Chia sẻ về chủ đề "Những nguyên tắc cơ bản để thực hiện tốt vai trò làm cha mẹ" thạc sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM cho rằng, nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất chính là tình yêu thương. Đây cũng là tiền đề cho nhu cầu giáo dục ở cha mẹ, vì yêu con nên luôn muốn con mình trở thành người có nhân có nghĩa và thành công trong cuộc sống. Từ đó cha mẹ tham gia vào việc dạy dỗ con một cách tự nguyện, nhiệt tình và vô tư. Giáo dục khi ấy không những là trách nhiệm đối với xã hội, mà còn là hạnh phúc lớn lao của người làm cha mẹ.
Khác với giáo dục trong nhà trường là dựa vào trách nhiệm và nghĩa vụ của học sinh, ở gia đình việc dạy dỗ con cái diễn ra trên cơ sở tình cảm yêu thương và tin cậy lẫn nhau giữa cha mẹ và con. Chính vì vậy, những tác động của cha mẹ dễ được trẻ tiếp nhận hơn. "Cuộc sống tràn đầy tình yêu giữa những người ruột thịt là điều kiện tốt nhất để giáo dục cho trẻ tình cảm, đạo đức và trách nhiệm đối với mọi người, với những người thân - điều mà các tổ chức xã hội khác không thể làm được", theo thạc sĩ Thúy.
Mặt khác, bà Thúy lưu ý, sinh ra con và giáo dục chúng là vấn đề "tự nhiên" bất kỳ cha mẹ nào cũng hiểu, song trong sự nghiệp trồng người này có những nguyên tắc vàng mà cha mẹ cần thuộc lòng để tránh phạm phải những sai lầm đáng tiếc.
Trong quá trinh làm công tác tư vấn, bà Thúy đã đúc kết 5 nguyên tắc cơ bản trong giáo dục trẻ như sau:
Nguyên tắc 1: Trong gia đình cha mẹ nên là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Đây là nguyên tắc quyết định, có tầm quan trọng đặc biệt lớn lao đối với công tác giáo dục. Trẻ em rất nhạy cảm và hay bắt chước nên cha mẹ trước hết phải làm gương từ cử chỉ, lời nói đến việc làm... Cha mẹ cũng cần thống nhất nguyên tắc và phương pháp giáo dục trong gia đình, tránh hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" khi mẹ nói đúng, cha lại bảo sai khi đánh giá một vấn đề nào đó.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên tìm hiểu, trau dồi kinh nghiệm của những nhà giáo dục và các phụ huynh khác. Cần đặt gia đình trong hệ thống giáo dục chung của xã hội, phối hợp chặt chẽ với các thiết chế xã hội khác như nhà trường, các tổ chức xã hội... để giáo dục con em với tinh thần chủ động. Có như thế cha mẹ mới làm tròn nhiệm vụ, vai trò của mình.
Nguyên tắc trên được đúc kết trong câu nói nổi tiếng của Nadezhda Krupskaya, một tiến sĩ giáo dục người Nga: "Với những người làm cha mẹ thì việc giáo dục trong gia đình trước tiên là tự giáo dục".
Nguyên tắc 2: Yêu thương con vô điều kiện, dù con là đứa trẻ bình thường hay khuyết tật, dù con đẹp hay xấu, dù con năng động hay chậm chạp. Cha mẹ cần coi mỗi đứa con là một bản thể duy nhất, độc đáo và có giá trị riêng. Cần cho trẻ cảm nhận được rằng trong 7 tỷ người trên thế giới, con là duy nhất, là chính con chứ không phải ai khác. Bên cạnh đó, tránh so sánh con với bất kỳ ai hay đối xử phân biệt giữa đứa con này với đứa con khác.
Nguyên tắc 3: Cha mẹ cần nắm vững đặc điểm riêng của từng đứa con, đặc biệt về vấn đề tâm sinh lý, nguyện vọng, sở trường, khả năng nhận thức... để có phương pháp giáo dục phù hợp. "Dạy con từ thuở còn thơ", cha mẹ nên giáo dục trẻ từ sớm với thái độ nghiêm khắc nhưng tôn trọng; bao dung, độ lượng và yêu thương đúng mực; biết biểu dương, khen ngợi trẻ để chúng tự điều chỉnh bản thân.
Nguyên tắc 4: Lao động là phương tiện giáo dục có hiệu quả sâu sắc và toàn diện. Đây là nguyên tắc giáo dục gián tiếp thông qua lao động. Vì nhờ có lao động con người mới tôi luyện được những đức tính tốt đẹp. Cha mẹ cần biết hướng dẫn cho con lao động vừa sức và hợp lý, biểu dương kỹ năng lao động tốt, động viên tinh thần yêu lao động, sáng tạo, dạy phương pháp lao động tư duy (học tập), biết kết hợp học và hành.
Nguyên tắc 5: Tổ chức và sinh hoạt gia đình hòa thuận, dân chủ, tránh thiên vị hay lấy uy quyền của người lớn mà ép buộc trẻ. Ép sẽ khiến trẻ bị ức chế, có thể tuân thủ mệnh lệnh nhưng trong lòng không phục.
"Giáo dục trong gia đình trước hết là tổ chức, giáo dục tinh thần. Không chỉ sự tác động có ý thức, có phương pháp của cha mẹ ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của trẻ", bà Thúy chia sẻ.
Thi Trân