Trong hàng chục năm qua, các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hoá), A01 (Toán, Lý, Anh) và D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) là lựa chọn phổ biến của các trường đại học trong việc xét tuyển sinh cho khối ngành kinh tế.
Liệu các lựa chọn này còn phù hợp? Liệu các trường đại học cần thay đổi tổ hợp tuyển sinh vào năm 2025, trong bối cảnh kết quả của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, đổi mới so với Chương trình GDPT năm 2006, đã "đến chân"? Nói rõ hơn, mùa tuyển sinh năm 2025 là thời điểm mà các học sinh đầu tiên của Chương trình đổi mới GDPT năm 2018 đã đến tuổi vào đại học.
Hơn 20 năm giảng dạy đại học cho sinh viên khối ngành kinh tế, tôi cho rằng sự thay đổi là cần thiết, mang tính tất yếu, bắt buộc đối với các trường đại học.
Điều này, một mặt, phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục nói chung.
Để đưa ra quyết định thay đổi thế nào, những người có chức năng ở các trường đại học cần hiểu rõ những thay đổi cơ bản trong Chương trình GDPT năm 2018 và Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT.
Theo quy định, cấp Trung học phổ thông (THPT) có 6 môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử – học sinh buộc phải học dù thích hay không. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh THPT có thể lựa chọn 4 trong 9 môn gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Theo Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT về thi tốt nghiệp, thí sinh bắt buộc thi môn Ngữ văn, môn Toán và hai môn tự chọn trong số các môn được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Với hai cơ sở như trên, có thể thấy rằng, Toán và Ngữ văn là hai môn bắt buộc học và thi đối với tất cả học sinh lớp 12. Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, một môn học mới trong Chương trình GDPT năm 2018, rất có thể sẽ được nhiều học sinh lựa chọn để học và thi, nhất là những em có định hướng theo ngành kinh tế.
Cơ sở trên cũng cho thấy các ứng viên tuyển sinh đại học năm 2025 hoàn toàn có thể không học môn Lý, môn Hoá ở lớp 12 và không đăng ký thi hai môn này trong kỳ thi tốt nghiệp.
Từ nhận định trên, tôi xin được gợi ý hai môn chính cho khối ngành kinh tế: Toán và Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Môn Toán là lựa chọn số một. Đây là môn bắt buộc học và thi tốt nghiệp, đồng thời sinh viên ngành kinh tế cần tính toán giỏi để thực hiện các chỉ tiêu trong lĩnh vực này.
Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật (KT&PL), môn học mới so với Chương trình GDPT cũ năm 2006, nên được xem là môn "cứng" trong tổ hợp xét tuyển cho khối ngành kinh tế. Bởi khi học sinh đã chọn học và thi môn này, ít nhiều các em đã có thiên hướng làm việc trong lĩnh vực kinh tế sau này.
Với kiến thức nền tảng khi học môn Giáo dục KT&PL ở phổ thông, nếu trúng tuyển, các sinh viên sẽ dễ dàng tiếp cận và thông hiểu các nội dung kinh tế được giảng dạy tại đại học. Nhờ đó, giảng viên cũng dễ dàng nâng cấp tư duy và năng lực kinh tế cho sinh viên. Điều này giống như một vận động viên trẻ có tiềm năng điền kinh, chọn môn điền kinh để học từ nhỏ, lớn lên vào đội tuyển điền kinh thì huấn luyện viên mới có thể đào tạo ra vận động viên giỏi được.
Ngoài hai môn trên, tôi gợi ý thêm ba môn phụ có thể lồng ghép, tạo thành những tổ hợp xét tuyển khối ngành kinh tế gồm: Văn, Tiếng Anh và Công nghệ.
Môn Ngữ văn cần cho sinh viên kinh tế để học tốt và làm tốt với các văn bản, viết dự án, thuyết trình, đàm phán, thương lượng, quản trị.
Môn Tiếng Anh cần để sinh viên tiếp cận khối lượng tri thức khổng lồ từ thế giới và làm tốt các công việc có yếu tố quốc tế.
Môn Công nghệ cần để sinh viên kinh doanh và làm việc hiệu quả trong môi trường kết hợp kỹ thuật và kinh tế.
Từ đó, tôi đề xuất ba tổ hợp xét tuyển chính:
- Toán - Văn - Giáo dục KT&PL.
- Toán - Anh - Giáo dục KT&PL.
- Toán - Công nghệ - Giáo dục KT&PL.
Ngoài ra, một tổ hợp mở khác đáng cân nhắc là D01 (Toán - Văn - Anh). Đây là tổ hợp truyền thống, gồm các môn bắt buộc mà học sinh phải học, đồng thời đều cần thiết cho lĩnh vực kinh tế.
Tôi cũng đề xuất loại bỏ các tổ hợp có hai môn Lý và Hoá (như A00, A01) khi xét tuyển ngành kinh tế, bởi hai môn này thuộc nhóm tự chọn và không thực sự hữu ích cho lĩnh vực này. Việc giữ các tổ hợp này có thể khiến các trường đào tạo sai định hướng.
Tôi từng tham gia một cuộc thảo luận về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng cần giữ tổ hợp truyền thống như A00 vì "đã quen thuộc". Tuy nhiên, tôi hy vọng quan điểm đổi mới sẽ được lắng nghe để quá trình hiện đại hoá giáo dục không bị cản trở bởi những tư tưởng bảo thủ.
Trần Minh Trí